Bia hay các thức uống chứa cồn không được xem là chất dinh dưỡng hay là nước uống, vì có rất nhiều tác hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các chuyên gia khẳng định việc uống bia giải nhiệt là quan niệm sai lầm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Ngày hè nóng nực, cánh mày râu thường rủ nhau uống bia giải nhiệt, nhưng chuyên gia cho rằng bia không hề có tác dụng giải nhiệt. Ngược lại, bia còn gây mất nước nếu uống quá lượng và nếu lạm dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Uống bia bao nhiêu là hợp lý?
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thủy - khoa dinh dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết bia là thức uống có cồn, là kết quả của quá trình lên men đường với nguyên liệu thông thường là hạt ngũ cốc như lúa mạch hoặc có thể từ các nguyên liệu không phải ngũ cốc như nước hoa quả, mật ong. Thành phần chính của bia gồm nước (80-90%), lúa mạch được mạch nha hóa, hoa bia, men bia, chất phụ gia, chất tạo mùi vị.
Về quan niệm uống bia giải nhiệt mùa hè, bác sĩ Thủy cho hay tuy trong thành phần bia có 80-90% là nước nhưng bên cạnh đó bia còn có một lượng cồn đáng kể.
Trung bình trong 100ml bia có khoảng 4-6 gam cồn, sẽ là nguồn cấp năng lượng rỗng (khoảng 120 kcal/lon bia 330ml) tích lũy góp phần vào rối loạn chuyển hóa, hao hụt các vitamin, thừa năng lượng gây thừa cân béo phì, tăng tích lũy mỡ vùng bụng gây béo bụng là yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch.
Cồn có trong bia ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, nhất là hệ thần kinh, gây rối loạn tư duy, vận động, cảm xúc... và là nguy cơ của các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, xơ vữa mạch máu, xơ gan, ung thư...
Do vậy, bia hay các thức uống chứa cồn không được xem là chất dinh dưỡng hay là nước uống, vì chúng mang lại rất nhiều tác hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Theo bác sĩ Thủy, loại nước uống tốt nhất cho cơ thể người là nước lọc, nước được đun sôi đảm bảo vệ sinh. Các loại thức uống có cồn nói chung nên dùng 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam và 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ (1 đơn vị cồn tương đương khoảng 300ml bia, 100ml rượu nhẹ và 40ml rượu nặng).
Đừng nhầm "giải khát" với "giải nhiệt"
"Quan niệm uống bia giải nhiệt ngày hè là không hợp lý. Thay vào đó chúng ta nên uống nước đầy đủ theo nhu cầu (trung bình 1,5 - 2 lít/ngày), tăng lượng nước uống khi phải ở ngoài trời nắng và ra mồ hôi nhiều", bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Trần Bá Thoại, ủy viên BCH Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam, cho rằng quan niệm uống bia giải nhiệt là không chính xác.
Theo TS Thoại, vào mùa hè khi trời nắng nóng, cơ thể mất nước kèm theo mất điện giải. Về nguyên tắc "thiếu gì bù đó" thì phải bù nước và chất điện giải, trong khi bia không có chất điện giải.
TS Thoại cho rằng bia chỉ có tác dụng giải khát chứ không hề có tác dụng bù nước và giải nhiệt. Trong thành phần của bia có hoa bia (hublông) có tác dụng giải khát. Đây là lý do ở các nước phương Tây thường dùng một chai bia để giải khát chứ không có khái niệm "nhậu" như người Việt.
Theo ông Thoại, bia không những không bù nước mà nếu uống nhiều, phải đi tiểu liên tục còn dẫn đến mất nước.
Bia không cồn thì sao?
Bác sĩ Thủy cho hay hiện nay thị trường có các loại bia không cồn, là loại bia có lượng cồn khoảng 50% so với bia thông thường. Tuy nhiên lượng carbohydrate và đường trong các loại bia này khá cao, gây rất nhiều hậu quả bất lợi cho cơ thể, đặc biệt là tình trạng rối loạn đường máu.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/uong-bia-ngay-he-dung-nham-giai-khat-voi-giai-nhiet-20240409224840388.htm