Các tế bào ung thư sau khi đưa ra ngoài cơ thể sẽ được sốc lạnh sau đó nạp vào hệ thống CRISPR-Cas9, biến thành "ngựa thành Troy".
Theo Medical Xpress, công trình đột phá mới từ Đại học Chiết Giang - Trung Quốc hứa hẹn cứu sống nhiều bệnh nhân ung thư phổi, là loại ung thư có số ca mắc cao nhất và gây chết người nhiều nhất trên thế giới.
Tế bào ung thư phổi - Ảnh đồ họa
Mô tả trên tạp chí khoa học Science Advances, các tác giả cho biết họ đã lấy những tế bào ung thư phổi từ chuột thí nghiệm, sốc lạnh các tế bào này bằng ni-tơ lỏng để tiêu diệt khả năng gây bệnh của chúng.
Sau đó, công cụ chỉnh sửa gene nổi tiếng CRISPR-Cas9 được "cài đặt" vào các tế bào đã chỉnh sửa này.
Cuối cùng, những tế bào được đưa trở lại cơ thể các con chuột bệnh. Đúng như dự đoán, chúng nhanh chóng bị khối u ở phổi thu hút và tìm đường trở lại khối u, liên kết với các tế bào bệnh.
Đó là khi chúng hoạt động như "ngựa thành Troy", giải phóng hệ thống CRISPR-Cas9 giúp phá hủy một yếu tố di truyền trong các tế bào khối u, gây chết hàng loạt.
Phương pháp này đặc biệt hiệu quả vì lợi dụng sức hấp dẫn lẫn nhau của các tế bào ung thư - dù đã chỉnh sửa - với khối u gốc, từ đó đưa phương pháp trị liệu vào cơ thể một cách trúng đích nhất.
Tấn công các tế bào bệnh thông qua công cụ chỉnh sửa gene cũng đem đến hiệu quả triệt để hơn, an toàn hơn.
Ngoài ra các tác giả lưu ý riêng quy trình sốc lạnh những tế bào ung thư ban đầu cũng mở ra những con đường mới: Sốc lạnh giúp tế bào ung thư giữ lại các kháng nguyên, có thể hữu ích trong việc phát triển vắc-xin điều trị ung thư.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/dung-chinh-te-bao-ung-thu-tieu-diet-khoi-u-196240404105246443.htm