Đột quỵ thường xảy ra do máu cô đặc tạo thành cục máu đông. Vì vậy, nhiều khi chỉ một cốc nước uống đúng thời điểm có thể cứu chúng ta khỏi bị đột quỵ.
Ảnh minh họa
3 tháng trời lạnh, đột quỵ chiếm 30 - 50%
Bác sĩ Đinh Minh Trí, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào.
Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian chờ điều trị kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong.
Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm..
Thời tiết giá lạnh ở các tỉnh phía Bắc khiến bệnh nhân bị đột quỵ tăng đột biến. Các nghiên cứu cho thấy đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng lạnh hơn so với những tháng ấm hơn.
Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% đến 20% vào mùa đông. Cụ thể, trong 3 tháng 11, 12 và tháng 1, số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm 30-50% tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.
Đặc biệt, khoảng 60-70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
Nguyên nhân đột quỵ xảy ra vào mùa lạnh là do khi nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể.
Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông.
Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não...
Một cốc nước trước khi đi ngủ có thể cứu mạng nhiều người - Ảnh minh họa
Một cốc nước trước khi đi ngủ có thể cứu mạng nhiều người
Tiến sĩ Phạm Đăng Bảng, giám đốc chuyên môn TTCliNic, cho biết nước rất cần thiết với cơ thể, cần uống đủ 1,8 - 2,2 lít nước mỗi ngày. Nhưng thời điểm uống nước cũng rất quan trọng trong việc giúp cơ thể khỏe mạnh và phòng chống một số bệnh, trong đó có đột quỵ.
Tỉ lệ đột quỵ xảy ra vào trời lạnh, ban đêm rất cao, có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, trong đó có một nguyên nhân là máu bị cô đặc. Máu cô đặc tạo điều kiện thuận lợi cho hình thành các cục máu đông nhỏ trong lòng mạch.
Khi kết hợp với các bệnh lý ở mạch máu như xơ vữa mạch, rất dễ hình thành các cục máu đông lớn hơn. Các cục máu đông di chuyển theo mạch máu tới các cơ quan, gây tắc mạch các cơ quan và hoại tử các mô, trong đó nguy hiểm nhất là não và tim, dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Theo nghiên cứu, cục máu đông cũng chính là nguyên nhân gây ra 90% ca tắc nghẽn động mạch vành tim và bít tắc các mạch máu nuôi dưỡng não. Do đó, việc uống nước trước khi đi ngủ sẽ góp phần ngăn chặn bệnh tim và các nguy cơ đột quỵ, tai biến xảy ra.
Tâm lý ngại đi tiểu đêm, nhất là người già, dẫn đến việc ngại uống nước vào buổi tối, đó là thói quen cần thay đổi. Hãy uống 1 ly nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 30 phút - 1 tiếng để tránh máu cô đặc vào ban đêm. Điều này có thể cứu mạng nhiều người do tránh được đột quỵ.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Trí nhấn mạnh nước lọc là một chất lỏng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Nước lọc không chứa calo, carbs, đường, caffeine… Uống đủ nước có thể giúp làm giảm huyết áp, lưu thông máu tốt và ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông. Do đó, uống đủ nước lọc là một gợi ý tốt để ngừa đột quỵ.
Mỗi người nên uống 1,8 - 2,2 lít nước mỗi ngày tùy theo cân nặng và mức độ hoạt động, tập luyện. Nếu thường xuyên hoạt động ngoài trời nắng, đổ nhiều mồ hôi, dễ bị mất nước… thì nên tăng cường uống nước lọc để đảm bảo luôn cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, có thể sử dụng các loại nước có tác dụng phòng ngừa đột quỵ như:
- Nước ép trái cây: Trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào. Các chất dinh dưỡng này có thể giúp bảo vệ não và mạch máu khỏe mạnh, hỗ trợ giảm nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, nên chọn uống các loại nước ép trái cây tươi không đường để tránh nạp quá nhiều đường vào cơ thể.
- Nước ép rau củ: là loại nước ép giàu chất xơ và vitamin, khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng, điều hòa huyết áp, giảm cholesterol trong máu, hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông. Có thể uống nước ép cần tây, nước ép dưa chuột, nước ép cải xoăn…
- Trà xanh: Trà xanh chứa các chất chống oxy hóa mạnh có thể giúp bảo vệ não khỏi tổn thương do gốc tự do. Một nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy uống trà xanh có thể giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não. Trà xanh có chứa một hợp chất catechins giúp chống oxy hóa, chống viêm và chống đông máu.
- Cà phê: Uống một lượng cà phê vừa đủ mỗi ngày có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe não bộ, hỗ trợ ngăn ngừa đột quỵ não. Cà phê có chứa acid chlorogenic giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường - yếu tố dẫn đến đột quỵ.
Để chống đột quỵ thì có thể thử uống một cốc cà phê đen không đường vào mỗi sáng. Lưu ý, không nên uống cà phê vào buổi chiều tối để tránh nguy cơ bị mất ngủ. Mất ngủ có thể gây mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Một cốc nước ấm trước khi đi ngủ khoảng 30 phút - 1 tiếng để tránh máu cô đặc, ngừa đột quỵ. Một cốc nước khi ngủ dậy cung cấp nước cho các tế bào, để cơ thể bắt nhịp với công việc nhanh nhất. Một cốc nước trước mỗi bữa ăn giúp tiêu hóa tốt nhất. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mot-coc-nuoc-co-the-cuu-mang-nhieu-nguoi-khoi-dot-quy-troi-lanh-20240124163711694.htm