Việt Nam đã ghi nhận 57 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (ca mới nhất ở Bến Tre), chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Phòng bệnh thế nào?
Ảnh minh họa
Theo thống kê, đến nay nước ta ghi nhận 57 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 8 tỉnh, thành phố. Đặc biệt từ đầu tháng 7 đến nay liên tục ghi nhận các ca bệnh.
Hầu hết ca bệnh là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM - chiếm 78,6%), dị tính (8,9%). Khoảng 63% đang nhiễm HIV, 46% mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đậu mùa khỉ đã trở thành bệnh lưu hành, vì vậy bất kỳ địa phương nào, thời điểm nào cũng có thể xuất hiện ổ dịch.
"Đường lây truyền của bệnh là qua tiếp xúc trực tiếp, đường máu, không lây qua hô hấp nên sẽ không gây trận dịch mạnh mẽ như cúm hay COVID-19", bác sĩ Cấp cho hay.
Theo bác sĩ Cấp, bệnh đậu mùa khỉ không chỉ lây qua quan hệ tình dục. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp, qua đường máu. Chính do đường lây truyền qua tiếp xúc dẫn đến quan hệ tình dục với người mang mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
"Bao cao su có thể giúp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác, nhưng không ngăn ngừa được lây truyền bệnh đậu mùa khỉ.
Người mắc bệnh đậu mùa khỉ khi có những vết loét ở vùng sinh dục, trong quá trình quan hệ có thể dẫn đến tiếp xúc da và lây nhiễm bệnh. Vì vậy, nhóm MSM quan hệ tình dục có nguy cơ lây nhiễm cao hơn bình thường.
Bên cạnh đó, số liệu thống kê tại Việt Nam cũng cho thấy có tới 63% người bệnh đồng nhiễm HIV. Nguyên nhân là do khi nhiễm HIV, hệ miễn dịch, sức đề kháng thấp hơn nên dễ dàng nhiễm bệnh hơn", bác sĩ Cấp lý giải.
Với người khỏe mạnh, bệnh diễn biến tương đối lành tính, chỉ cần cách ly tốt, điều trị bội nhiễm nếu có, sau 21 ngày người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn.
Trong giai đoạn điều trị, để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh thì người chăm sóc cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ vết loét bằng cách sử dụng găng tay, khẩu trang, rửa tay thường xuyên.
Với những trường hợp có sức đề kháng bình thường thì tiên lượng bệnh tốt, không gây bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển nặng ở những người có sức đề kháng kém.
Để phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Tránh tiếp xúc trực tiếp da, tiếp xúc đối diện hoặc miệng với da. Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, bề mặt, drap giường, khăn tắm và quần áo.
Đeo khẩu trang nếu bạn cần tiếp xúc gần với người có triệu chứng, khi chạm vào drap giường, khăn và quần áo; hỏi đối phương có triệu chứng hay không trước khi có tiếp xúc gần.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/benh-dau-mua-khi-de-lay-qua-duong-tinh-duc-phong-benh-the-nao-20231111100606988.htm