Mùi hoa sữa nồng nặc khiến nhiều người cảm thấy nhức đầu, khó thở, chóng mặt, nhưng không ít người mang hương thơm và vẻ đẹp kiêu sa của hoa sữa về trưng tại nhà. Đặc biệt những công dụng chữa bệnh bất ngờ của hoa sữa thì không phải ai cũng biết.
Hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh - Ảnh: DANH TRỌNG
Cây thuốc quý, có thể chữa nhiều bệnh
Những đợt gió lạnh sắp về cũng là lúc hoa sữa bắt đầu nở rộ trên các tuyến đường, con phố khắp thủ đô Hà Nội. Hoa sữa có mùi thơm hắc. Ở những nơi cây sữa trồng tập trung dày đặc thì mùi hoa sữa gây cảm giác khó chịu cho những người không thích ngửi mùi hoa này.
Nhưng ngược lại, mùi hương hoa sữa, mùi đặc trưng về mùa thu của Hà Nội, khiến những người Hà Nội đi xa đều nhớ về thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đặc biệt, có không ít người yêu vẻ đẹp kiêu sa và mùi hương hoa sữa.
Trao đổi về việc hoa sữa có độc có thể gây bệnh cho nhiều người, PGS.TSKH Trần Công Khánh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP), cho biết cây hoa sữa, còn có tên là mùa cua, mò cua, mạy tản (Tày), co tin pất (Thái). Tên khoa học là Alstonia scholaris (L.) R. Br., họ trúc đào (Apocynaceae).
Hoa sữa là cây gỗ, cao khoảng 10-20m, vỏ thân nứt nẻ, màu nâu xám. Lá đơn, mọc vòng 5-8 lá tập trung ở các mấu đầu cành; phiến lá dày, hình bầu dục hẹp, dài 8-15cm, rộng 3-4,5cm.
Cụm hoa ở đầu cành, mang nhiều hoa nhỏ, màu trắng hay vàng nhạt, mùi thơm hắc, nhất là về đêm. Quả dài 15-25cm, thõng xuống, chứa nhiều hạt dẹt, hai đầu hạt có mào lông màu nâu. Toàn cây có nhựa mủ trắng như sữa. Mùa hoa quả từ tháng 9 đến tháng 12.
Loài cây này phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam, cây mọc hoang rải rác và cũng được trồng ở nhiều nơi, dọc các đường phố hoặc công viên để lấy bóng mát. Đây là loại cây đô thị, dễ trồng và có vẻ đẹp riêng.
Công dụng cây hoa sữa không chỉ trồng để lấy bóng mát, mà nó còn là cây thuốc quý, có thể chữa được nhiều bệnh nhờ có các hợp chất sau:
Vỏ thân và vỏ rễ chứa nhiều alcaloid (0,16- 0,27%) có nhân indol như ditamin, echitamin, echitamidin, akuamicin, akuamicin-N-oxyd, tubotaiwin, nechicerin, echitin.
Lá chứa các chất alschomin, isoalschomin, valesamin, alstonamin, scholaricin.
Hoa sữa có tinh dầu, trong đó có caren-3, geraniol, terpinolen, echitin, lupeol acetat, p. menthan-1, 2, 8 - triol.
Theo Đông y, vỏ cây sữa có vị đắng, tính mát, ít độc; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chỉ thống, bình suyễn, chỉ khái, triệt ngược, phát hãn, kiện vị.
Thường dùng làm thuốc bổ, chữa thiếu máu, kinh nguyệt không đều, sốt rét cấp và mạn tính, đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm khớp có sưng nóng đỏ đau, bệnh ngoài da. Vỏ cây sắc lấy nước đặc để rửa chữa lở ngứa, hoặc ngậm chữa sâu răng.
Dùng ngoài để cầm máu, ngày dùng 1-3g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, rượu thuốc hay cao lỏng. Vỏ tán bột uống; sắc hay nấu cao uống với rượu.
Năm 1906, Bacon - nhà khoa học - đã nghiên cứu tác dụng dược lý của alcaloid chiết từ vỏ cây sữa và kết luận rằng tác dụng gần giống như chất quinin (trong cây Canhkina). Trước đây, thị trường thuốc ở nước ta đã sản xuất loại rượu bổ 'Ditakina' được chế từ vỏ cây sữa.
Ở Ấn Độ, vỏ cây hoa sữa được dùng trị sốt rét, tiêu chảy, kiết lỵ, rắn cắn và làm thuốc bổ đắng, hạ nhiệt.
Ở Thái Lan, vỏ thân cây sữa dùng chữa lỵ và viêm phế quản.
Ở Trung Quốc, vỏ và lá cây sữa dùng trị ho gà, viêm khí quản mạn tính, hen suyễn, sốt rét, cảm mạo phát sốt, sưng amidan, viêm gan cấp tính, phong thấp, đòn ngã, gãy xương, mụn nhọt sưng đỏ.
Những thông tin trên cho thấy hoa sữa là cây thuốc quý, nhiều nước đã dùng để chữa bệnh. Thế nhưng, Hà Nội từng có kế hoạch chặt bỏ cây hoa sữa để thay thế bằng các loại cây khác.
"Cây hoa sữa không có tội do mùi hoa của nó, mà chỉ cần tỉa thưa bớt cây sữa ở những nơi trồng với mật độ quá dày, quá tập trung. Theo các chuyên gia lâm nghiệp, cây hoa sữa nên trồng cách nhau tối thiểu là 50m" - PGS.TS Trần Công Khánh nhấn mạnh.
Tháng 7-2019, trước phản ảnh mùi hoa sữa tỏa hương khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, Hà Nội đã bứng hạ và di chuyển hàng loạt cây hoa sữa tại đường Trích Sài (Tây Hồ) lên trồng tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), với mục đích "mùi hoa sữa sẽ át mùi hôi của rác"! Các vị cán bộ quản lý và nhà khoa học về môi trường nghĩ sao? - PGS.TSKH Trần Công Khánh đưa ra câu hỏi.
Hoa không độc nhưng người có cơ địa dị ứng cẩn thận
Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cây hoa sữa có hơn 40 loài, đặc điểm chung là cây khá cao, vỏ dày, chảy nhựa như sữa nên gọi là hoa sữa. Hoa sữa không có độc nhưng hoa có mùi nồng nặc, nếu hít phải nhiều dễ gây cảm giác choáng váng, mệt mỏi, khó thở.
Hoa và quả của cây có nhiều lông, có thể phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn.
Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn.
Vì vậy, để tránh dị ứng, những đối tượng có nguy cơ cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc tiếp xúc hoặc ở gần với phấn hoa sữa. Có thể mang khẩu trang, sử dụng áo choàng che kín các vùng da hở, hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết trong thời gian hoa sữa nở.
Về cơ bản, các tinh thể thơm trong hoa không có hại cho sức khỏe, nhưng mùi thơm dễ gây kích ứng thần kinh, đau đầu. Một số loài hoa có mùi thơm rất nồng nặc như hoa sữa, hoa dạ hương, thiết mộc lan... nếu để trong phòng kín, có thể gây ra cảm giác mệt mỏi, buồn nôn. Không chỉ mùi thơm của hoa mà ngay cả phấn hoa cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Phấn hoa rất dễ gây dị ứng, mẩn ngứa. Vì thế, vào buổi tối, nên để bình hoa ngoài ban công có thoáng khí thì tốt hơn là để trong phòng kín. Tuyệt đối không để hoa tươi trong phòng ngủ bởi chúng có thể hút oxy, thải ra khí carbonic, không tốt cho sức khỏe con người. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/doc-dao-huong-thu-ha-noi-hoa-sua-nong-nhung-chua-nhung-hop-chat-quy-bat-ngo-20231104065354341.htm