Trong nhiều trường hợp, hành động gãi sẽ giúp cảm giác ngứa trên da. Do đó, gãi trở thành phản ứng mỗi khi da bị ngứa. Nhưng có một số tình trạng ở da mà người bệnh không nên gãi.
Khi bị ngứa da, gãi sẽ giúp cảm thấy dễ chịu và làm dịu cơn ngứa. Nhưng có một số tình trạng về da mà người mắc không nên gãi. Vì gãi có thể không làm giảm cơn ngứa là còn khiến tình trạng thêm nghiêm trọng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngứa da do dị ứng cần hạn chế gãi vì sẽ gây đau và khiến da bị rách, dễ bị nhiễm trùng SHUTTERSTOCK
Những loại ngứa da mà người mắc không nên gãi gồm:
Bệnh vảy nến
Bệnh vảy nến là căn bệnh ngoài da đặc trưng với các mảng đỏ bong tróc trên da. Do tác động của hệ miễn dịch, các tế bào da phát triển nhanh hơn tốc độ bình thường. Thông thường, tế bào da sẽ phát triển và bong ra sau 3 đến 4 tuần. Nhưng ở bệnh vảy nến, quá trình này chỉ mất khoảng 7 ngày.
Hệ quả là khiến da bong tróc, hình thành những mảng khô và có vảy. Người mắc sẽ cảm thấy ngứa ngáy rất khó chịu nhưng các chuyên gia khuyến cáo là không nên gãi. Vì gãi có thể khiến da bong tróc nhiều hơn, thậm chí nhiễm trùng. Thay vào đó, các biện pháp như uống thuốc, bôi thuốc mỡ, tắm nước mát và thư giãn có thể giúp giảm ngứa.
Nổi mề đay do dị ứng
Khi da bị dị ứng sẽ hình thành những vết sưng tấy trên da gọi là mề đay. Tác nhân thường là do căng thẳng, tiếp xúc hóa chất, bụi bẩn, vi khuẩn hay virus. Cơn ngứa có thể dữ dội nhưng gãi lại gây đau đớn. Một số loại dị ứng lại có cảm giác ngứa như kim chích. Do đó, ngứa da do dị ứng cần hạn chế gãi.
Nổi mề đay do dị ứng thường chỉ xuất hiện trong vài giờ, nhưng một số trường hợp sẽ kéo dài hàng tuần. Các phương pháp như tắm nước ấm, chườm đá, bôi thuốc mỡ chống ngứa, thoa lô hội sẽ giúp giảm ngứa hiệu quả.
Trĩ
Bệnh trĩ xảy ra khi tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị sưng và viêm. Vị trí sưng viêm ở xung quanh hậu môn gọi là trĩ ngoại, ở trực tràng dưới là trĩ nội. Trì nội thường không đau nhưng trĩ ngoại lại gây đau và ngứa.
Tình trạng viêm sưng khiến cơn ngứa trở nên dữ dội. Lau mạnh hoặc gãi sẽ gây kích ứng mạch máu và làm cơn ngứa thêm nghiêm trọng. Các loại thuốc không kê đơn và thuốc đặt đưa vào hậu môn sẽ giúp giảm ngứa. Ngâm hậu môn trong bồn nước ấm khoảng 20 phút/lần cũng có thể giúp giảm cảm giác khó chịu.
Cháy nắng
Cháy nắng thường chỉ gây ngứa và kích ứng nhẹ. Tuy nhiên, cháy nắng nghiêm trọng sẽ gây ngứa và đau không ngừng. Cảm giác này sẽ kéo dài trong 1 đến 3 ngày sau khi bị cháy nắng.
Loại ngứa này cũng không nên gãi vì gãi sẽ không làm dịu cơn ngứa mà còn gây ra các vết rách da dễ nhiễm trùng. Để giảm cảm giác khó chịu, các chuyên gia khuyến cáo hãy bôi thuốc mỡ, uống thuốc hay đắp lô hội lên da, theo Healthline.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/4-kieu-ngua-ma-nguoi-mac-khong-nen-gai-185231101135436368.htm