Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu. Nguy cơ bùng phát số trường hợp tử vong là rất lớn.
Tại hội thảo định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống sốt xuất huyết Dengue (SXH) ở Việt Nam diễn ra chiều 28/9 do Viện Pasteur TPHCM tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tại Việt Nam, SXH thường đạt đỉnh vào các tháng 7, 8, 9, 10. Trong đó, bệnh lưu hành nặng tại các tỉnh khu vực miền Nam và miền Trung, Tây Nguyên.
Thống kê từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 87.700 trường hợp mắc bệnh, 24 trường hợp tử vong. Trước đó trong năm 2022, Việt Nam ghi nhận đến hơn 372.600 trường hợp mắc, khiến 151 trường hợp tử vong. Đây là số mắc SXH ghi nhận cao nhất trong lịch sử 36 năm qua.
Một trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết biến chứng nặng, điều trị tại TPHCM trong năm 2023 (Ảnh: Hoàng Lê).
Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay bệnh SXH vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
Trong khi đó, do sự biến đổi khí hậu, sự đô thị hoá nhanh của các địa phương, tập quán trữ nước trong các lu, thùng không có nắp đóng kín của người dân cùng với việc loại bỏ các vật dụng chứa nước phế thải chưa được thực hiện triệt để, tạo điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh.
Do đó, nguy cơ bùng phát số trường hợp mắc và tử vong vì SXH là rất lớn.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đến nay trên thế giới vẫn chưa có một mô hình thực sự hiệu quả nào để dự báo chính xác dịch bệnh SXH. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay vẫn là diệt bọ gậy, lăng quăng, diệt muỗi.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu, đưa các biện pháp mới vào công tác phòng chống SXH như thả muỗi mang Wolbachia, nghiên cứu và sử dụng hiệu quả vaccine phòng chống SXH rất cần được quan tâm.
Bé 5 tháng tuổi bị sốc sốt xuất huyết thể não, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: BV).
Phó giáo sư Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, SXH không chỉ gây ra cơn sốt cao kéo dài trong vài ngày, mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như sốc giảm thể tích do thất thoát huyết tương, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương nặng suy đa tạng...
Những biến chứng nặng này diễn tiến rất nhanh có thể dẫn đến gây tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực. Tuổi nào cũng có thể bị SXH, tuy nhiên lứa tuổi bị bệnh nhiều nhất vẫn là học sinh, người trẻ trong độ tuổi lao động.
Ngoài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế, bệnh còn tác động lâu dài đến tâm lý của bệnh nhân, cộng đồng, và an sinh xã hội. Ở góc độ y tế, số bệnh nhân SXH gia tăng qua các năm đã gây ra áp lực quá tải ở các bệnh viện, thiếu nguồn nhân lực chăm sóc và điều trị bệnh nhân đúng mức.
Một chiến dịch tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết tại quận Bình Thạnh, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo Phó giáo sư Hùng, ngoài việc tổ chức phân cấp điều trị, phát hiện sớm, điều trị đúng bệnh nhân SXH cũng như tăng cường cơ sở vật chất, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng, kết hợp với việc tuyên truyền tư vấn cho người dân về bệnh, để triển khai hiệu quả việc phòng ngừa SXH.
Khi có vaccine hiệu quả ngừa SXH, ngành chức năng cần tổ chức tiêm phòng cho người dân.
Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM nhấn mạnh, trước điều kiện môi trường ngày càng phức tạp, các biện pháp phòng chống dịch đang thực hiện đòi hỏi sự tích cực hơn nữa.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần kết hợp học hỏi các mô hình kiểm soát dịch, sử dụng những phương pháp tiến bộ của khoa học tại các quốc gia có điều kiện khí hậu và dịch bệnh tương tự với Việt Nam, như Indonesia và Thái Lan.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/24-ca-sot-xuat-huyet-tu-vong-thu-truong-bo-y-te-canh-bao-nguy-co-rat-lon-20230928161346914.htm