Anh Quách Văn Vệ (37 tuổi, ở huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) lên cơn dại và tử vong trước sự bàng hoàng của cả gia đình, hàng xóm. Anh không bị chó cắn nhưng khi phát bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xét nghiệm, kết luận anh dương tính với bệnh dại.
Mẹ của anh Vệ vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi của con trai - Ảnh:NGUYỄN HẠNH
Đây là 1 trong số 61 ca tử vong vì bệnh dại trong 9 tháng đầu năm 2023 ở Việt Nam. Trường hợp anh Vệ là một ca bệnh điển hình cho thấy sự nguy hiểm của bệnh dại, đó là dù không bị chó, mèo, động vật hoang dã cắn, cào cũng có thể nhiễm vi rút dại và tử vong.
Chị Quách Thị Thập, vợ anh Vệ, cho biết vào tháng 6-2023, anh thấy hai con chó thả rông vào tấn công đàn ngan. Anh đã lấy cọc tre đánh đuổi hai con chó.
Trong lúc đuổi chó, cọc tre làm xước tay anh và chảy máu. Có thể vết xước trên tay anh đã tiếp xúc với dãi chó, khiến vi rút dại xâm nhập vào cơ thể. Nạn nhân chủ quan không đi chích ngừa.
Chị Thập kể thêm: Hồi tháng 8, anh Vệ kêu mệt mỏi, luôn thấy ớn lạnh, sốt cao. Gia đình chỉ nghĩ đơn giản anh đi làm ruộng nhiều nên mệt. Vài ngày sau, anh thấy sợ nước, sợ gió. Đến phòng khám ở huyện thì bác sĩ cho thuốc về uống nhưng không đỡ.
Gia đình đưa anh lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị. Tại đây, các bác sĩ nghi anh bị nhiễm vi rút dại liền chuyển anh lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Tại đây, anh được làm xét nghiệm. Kết quả khẳng định anh dương tính vi rút dại. Bệnh viện khuyên người nhà đưa anh về, hai ngày sau anh tử vong.
Anh Quách Văn Vân, anh trai anh Vệ (vốn là cán bộ y tế thôn bản), cho biết: "Tôi có hỏi đi hỏi lại em trai là có bị chó cắn không, vết xước có phải do chó gây ra không để đi tiêm phòng vắc xin… Nhưng em trai khẳng định không bị chó cắn, vết xước là do cọc tre gây ra. Thế là gia đình không yêu cầu em đi tiêm nữa".
TS Nguyễn Thị Thanh Hương - trưởng văn phòng Chương trình Khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Bộ Y tế - cho biết dại là vi rút hướng thần kinh trung ương. Khi một ai đó bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, cào, hoặc chỉ cần vết thương hở, vết trầy xước tiếp xúc với nước dãi hoặc dịch tiết của động vật cũng có thể nhiễm bệnh.
Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể, theo đường dẫn truyền thần kinh, tấn công lên não bộ và nhân lên với số lượng lớn. Lúc này bệnh nhân phát bệnh và tử vong sau vài ngày. Bệnh dại khi đã phát bệnh thì tỉ lệ tử vong là 100%.
"Việc chẩn đoán sớm vi rút dại khi nạn nhân chưa phát bệnh là điều không thể, là bài toán đau đầu của y học hiện đại nhiều năm qua. Dại là vi rút ẩn, có khả năng né tránh hệ miễn dịch nên mọi xét nghiệm sau khi nạn nhân bị chó cắn đều không thể tìm ra.
Chỉ khi nó nhân lên với số lượng lớn thì mới xét nghiệm được, nhưng đó cũng là lúc bệnh nhân đối diện với cái chết. Chính vì vậy, người dân không tin thầy lang mà đi chẩn đoán dại hay chữa dại bằng thuốc nam" - tiến sĩ Hương nói thêm.
Theo Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2023, cả nước có 61 người tử vong vì bệnh dại ở 26 tỉnh thành. Địa phương có nhiều ca bệnh dại tử vong nhất là Gia Lai (10 ca), sau đó đến Nghệ An, Điện Biên (cùng 6 ca), Bình Phước, Bến Tre (cùng 4 ca), Quảng Bình, Đắk Lắk (cùng 3 ca)… Hôm nay 28-9 là ngày Thế giới phòng chống bệnh dại. Ở Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm và là một trong số các bệnh truyền nhiễm có số ca tử vong cao nhất. Đặc biệt từ năm 2022 đến nay, tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp với số ca tử vong cao. Đến nay, cả nước đã ghi nhận 61 ca tử vong do dại, tăng 18 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~42%). Bên cạnh đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khong-bi-cho-can-van-tu-vong-vi-benh-dai-20230928075656082.htm