Mới đây, diễn viên Bình Minh chia sẻ lên mạng xã hội Facebook về việc lọc mỡ máu toàn diện để ngăn ngừa bệnh đột quỵ, suy gan... Trước thông tin này, nhiều bạn đọc thắc mắc thực tế có phương pháp này có thần kỳ như vậy?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thượng tá, BS CKII Vũ Đình Ân, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), cho biết lọc mỡ máu là một kỹ thuật chuyên sâu, cần các điều kiện cao mới có thể thực hiện được.
Thứ nhất, về máy móc phải là những thiết bị hiện đại, chuyên dụng dùng cho lọc máu ngoài cơ thể. Thứ hai, người thực hiện phải là người có chuyên ngành lọc máu ngoài cơ thể.
"Để thực hiện được lọc máu phải là những bác sĩ chuyên sâu về hồi sức cấp cứu. Bởi thực tế, trong quá trình lọc máu vẫn có thể xảy ra tai biến. Vì vậy, khi xảy ra sự cố bác sĩ hồi sức sẽ có thể xử lý ngay tại chỗ" – bác sĩ Ân nói.
Thông tin lọc máu được một nam diễn viên nổi tiếng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân
Giải thích thêm, bác sĩ Ân cho biết hệ thống lọc máu gần giống như lọc thận nhân tạo. Khác ở chỗ là việc lọc máu diễn ra liên tục là không lấy dịch thay thế mà lấy máu cho vào quả lọc, sau đó đi qua quả lọc và quay trở lại cơ thể.
"Tùy từng màng lọc mà người ta lấy các chất khác nhau, có những màng lọc lấy mỡ có những màng lọc giữ lại các chất độc. Hiện nay, phương pháp này ở nước ngoài đã triển khai nhiều nhưng tại Việt Nam chỉ mới có 1 bệnh viện tư thực hiện. Tuy nhiên, chi phí rất cao, đặc biệt là để thực hiện kỹ thuật cần phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe bởi đây là kỹ thuật chuyên sâu" – bác sĩ Ân nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Ân nhấn mạnh không nên lạm dụng phương pháp này. Vì khi thực hiện bất cứ thủ thuật xâm nhập vào cơ thể có thể vẫn xảy ra biến chứng. Thực tế, có những thủ thuật an toàn đến 99%, nhưng vẫn có 1% tai biến. Nếu không may rơi vào 1% sẽ rất nguy hiểm.
Bác sĩ Ân thông tin theo quy định của Bộ Y tế, người có chỉ định lọc máu khi chỉ số mỡ máu cao trên 11 mmol/L kèm viêm tụy.
"Đối với người bình thường chỉ số cholesterol lên vài chục chưa có biểu hiện về mặt lâm sàng thì cũng không cần phải lọc. Thông thường phải có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến triệu chứng lâm sàng thì mới cần lọc máu" – bác sĩ Ân lý giải.
Mới đây, nam diễn viên - ca sĩ nổi tiếng đã chia sẻ hình ảnh và thông tin về công nghệ lọc mỡ máu trên trang cá nhân với nội dung: "Hôm nay, được biết đến công nghệ lọc mỡ máu thật đỡ cho sức khỏe quá. Công nghệ lọc mỡ máu toàn diện giúp dọn dẹp toàn bộ rác thải tích tụ trong máu mà cơ thể không thể tự làm sạch trong nhiều năm như cholesterol xấu, protein gây hại, vi khuẩn, vi nhựa và độc tố thần kinh… giúp ngăn ngừa các bệnh phổ biến hiện nay như tim mạch, tai biến, đột quỵ, suy gan...".
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/co-hay-khong-phuong-phap-loc-mo-mau-tot-cho-suc-khoe-20230922113743299.htm