Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học JAMA Network Open cảnh báo nếu tổng thời gian ngồi làm việc, lái xe, xem tivi... của bạn vượt quá 10 giờ/ngày, nguy cơ mắc một căn bệnh nan y đang gây lo lắng trên toàn thế giới sẽ tăng mạnh.
Theo đó, nhóm tác giả từ ĐH Nam California và ĐH Arizona (Mỹ) đã nghiên cứu trên bộ dữ liệu của hơn 50.000 người Anh từ 60 tuổi trở lên. Họ nhận thấy nếu tổng thời gian ngồi trong ngày là 10 giờ, nguy cơ mắc nhóm bệnh mất trí nhớ/sa sút trí tuệ sẽ cao hơn 8% so với người ngồi 9 giờ. Còn với tổng thời gian ngồi là 12 giờ, nguy cơ tăng sốc - ở mức 63%.
Tổng thời gian ngồi làm việc, lái xe, giải trí quá lâu có thể gây nguy hiểm cho não bộ. Ảnh: REUTERS
Đây là lời cảnh báo nguy hiểm bởi ngồi nhiều được coi là "bệnh dịch" của lối sống hiện đại. Trong khi đó, nhóm bệnh mất trí nhớ/sa sút trí tuệ - mà phổ biến nhất là Alzheimer - vẫn là các bệnh nan y, chỉ có vài thuốc vừa được phê duyệt nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Theo GS Gene Alexandre, tác giả chính của nghiên cứu, kết quả này cũng chỉ ra cho dù bạn có thực hiện theo lời khuyên phổ biến là đứng lên một chút sau mỗi 30 phút ngồi thì tác hại lên não bộ cũng xảy ra nếu tổng thời gian tĩnh tại tích lũy trong ngày quá cao.
Tuy cần nghiên cứu thêm về cơ chế tác động nhưng kết quả nêu trên ủng hộ một số công trình trước đó cho thấy tập thể dục, năng vận động sẽ giúp phòng ngừa nhóm bệnh nguy hiểm này thông qua việc giảm nguy cơ tích tụ các chất độc hại liên quan trong não bộ, giúp hồi hải mã (vùng não chịu trách nhiệm cho khả năng học tập, định hướng...) của não khỏe mạnh hơn.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/loi-canh-bao-voi-nguoi-ngoi-qua-10-gio-ngay-20230916203201596.htm