Để giảm ngạt khí khi có đám cháy, chúng ta cần phải nhanh chóng tìm các lối ra gần nhất thay vì trốn ở phòng kín; nên hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối vì khí thường lơ lửng ở trên.
Theo thống kê từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ đầu năm đến nay, số vụ cháy trên cả nước là khoảng hơn 880 vụ, trong đó có thiệt hại về người và tài sản. Mới đây, ngày 12.9 đã xảy ra vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, theo Công an Hà Nội xác định số người thiệt mạng trong đám cháy này là 56 người.
Cúi sát người, làm ẩm vải đưa lên gần mũi miệng
TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết để giảm ngạt khí khi có đám cháy, chúng ta có thể sử dụng khăn thấm nước che kín miệng và mũi lọc không khí khi hít thở. Người dân cũng có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được chuẩn bị trước.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Thanh Lịch - Phó khoa Hồi sức tích cực cấp cứu - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết trong các đám cháy thường sản sinh nhiều khói, khói rất dễ dàng phát tán ra môi trường xung quanh dẫn đến nạn nhân trong đám cháy sẽ bị mất tầm nhìn.
Thêm vào đó, khi hít phải quá nhiều khí độc, nếu không xử lý kịp thời, sẽ gây tổn thương ở phổi và đường hô hấp của nạn nhân. Nhiệt độ cao ở đám cháy cũng là một trong những yếu tố gây nguy hiểm cho con người. Khi ngọn lửa tác động trực tiếp lên da người, chỉ cần tiếp xúc trực tiếp với lửa trong thời gian ngắn cũng có thể gây bỏng rất nặng.
Một đám cháy từ căn nhà 3 tầng ĐÌNH TUYỂN
Đa phần những trường hợp thiệt mạng ở các vụ cháy nổ thường là hít quá nhiều khí độc như CO, CO2. Các khí này ngăn chặn quá trình vận chuyển oxy vào máu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy.
"Để giảm ngạt khí khi có đám cháy, chúng ta cần phải nhanh chóng tìm các lối ra gần nhất thay vì trốn ở phòng kín. Khi xung quanh có quá nhiều khói, để không hít phải quá nhiều khí độc, chúng ta cần hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối vì khí thường lơ lửng ở trên", bác sĩ Lịch chia sẻ.
Trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Sau đó tìm vải ướt hoặc băng dính bịt các khoảng trống xung quanh khung cửa và quạt thông gió để ngăn khói bay vào phòng.
Tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn
Theo hướng dẫn thoát nạn khi xảy ra cháy của Bộ Công an, tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ.
Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên.
Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện.
Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn hoặc vật sáng màu để vẫy gọi mọi người biết vị trí mình đang bị nạn.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/lam-the-nao-de-giam-ngat-khi-khi-co-chay-185230914132717962.htm