Tại một số cơ sở y tế chuyên khoa mắt, số bệnh nhân đến khám do viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ) tăng trong các tuần qua. Bác sĩ nhãn khoa đã cảnh báo biến chứng nặng do đau mắt đỏ và hướng dẫn phòng bệnh.
Dễ bùng phát sau mưa, lũ
Theo bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư), vùng nước ngập hay trong mưa, lũ có độ ẩm gần như tuyệt đối, nhiệt độ môi trường từ 20 - 30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt, nhất là đau mắt đỏ, sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, gây bệnh nhiều hơn, trong khi đó nước bẩn sẽ là môi trường lan truyền bệnh dễ dàng nhất. Do vậy phòng ngừa bệnh mắt luôn phải đi kèm vệ sinh mắt với vệ sinh môi trường.
Đau mắt đỏ có thể gây biến chứng nặng, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa TL
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) và mắt hột đặc biệt sẽ gia tăng ở cộng đồng thiếu nước sạch. Ngoài ra, mưa lụt có thể gây bệnh viêm hắc võng mạc hoại tử do ký sinh trùng Toxoplasma Gondii rất dễ lây truyền qua nước bẩn", bác sĩ Cương cho biết.
Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, các bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám đã tăng cao trong tháng 8, hiện có xu hướng giảm hơn nhưng chuyên gia nhãn khoa vẫn lưu ý người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt trong môi trường tập trung đông người.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi T.Ư, từ các tuần trước khi vào năm học mới, các bệnh nhi đau mắt đỏ được gia đình đến khám cũng tăng cao.
Biến chứng do đau mắt đỏ
"Ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ", bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi T.Ư, lưu ý.
Các bác sĩ nhãn khoa cho hay, hầu hết các ca đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Mắt T.Ư thời gian gần đây có nguyên nhân do virus Adeno.
Ước tính có khoảng 10 - 20% trẻ đến khám có biến chứng nặng như: có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).
Trẻ bị đau mắt đỏ cần được khám, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ chuyên khoa, tránh biến chứng nặng BỆNH VIỆN NHI T.Ư
Bác sĩ Cương đánh giá, trên thực tế, viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ) vẫn là bệnh phổ biến nhất trong mùa mưa và dạng viêm nhiễm nặng nhất do virus Adeno.
Viêm kết mạc ít có biến chứng và di chứng nhưng thực tế khám hàng ngày các bác sĩ vẫn ghi nhận các bệnh nhân bị sẹo giác mạc, viêm giác mạc đốm, khô mắt... sau đau mắt đỏ. Tỷ lệ này khoảng 10 - 15% các ca viêm kết mạc. Virus Adeno gây viêm kết mạc nặng và có thể gây tai biến mù lòa. Hiện không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh nhằm ngăn chặn bệnh lan tràn.
Với trẻ em cần đặc biệt lưu ý những tiềm ẩn của diễn biến nặng, đặc biệt với các trẻ suy dinh dưỡng, miễn dịch kém, đang mắc viêm hô hấp hoặc bệnh tai mũi họng, tiêm chủng chưa đủ.
Bệnh viện Nhi T.Ư đã thông báo hotline 0246.273.8512 - 0817.126.456 để tư vấn, giải đáp cho các cha mẹ về chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ.
Sau những đợt mưa lớn, dịch đau mắt đỏ nguy cơ lây lan và bùng phát nếu không phòng ngừa và giữ vệ sinh cá nhân tốt. Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học, nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/canh-bao-bien-chung-mu-loa-do-dau-mat-do-185230907145505982.htm