Trong bối cảnh các ca bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng gia tăng, nhiều thông tin truyền miệng cho rằng dùng rau răm xông mắt hoặc giã nát với muối để đắp lên mắt giúp trị đau mắt đỏ, tuy nhiên theo chuyên gia, trong đông y chưa ghi nhận bài thuốc này.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày - Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3, cho biết đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) xảy ra khi lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi gặp phải tình trạng viêm nhiễm. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch trong thời điểm từ hè đến cuối thu.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có 65-90% nguyên nhân là do virus Adenovirus hoặc vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu,… Bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước bọt, qua tay, mắt kính, khăn mặt, chậu rửa mặt...
Thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ phát triển và bùng phát thành dịch. Công sở, lớp học, nơi công cộng là những môi trường khiến bệnh lây lan nhành. Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau.
Một người dân bị đau mắt đỏ, sưng mắt LÊ CẦM
Điều trị đau mắt đỏ như thế nào?
Người bệnh đau mắt đỏ cần vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý thường xuyên. Đeo kính râm để giảm triệu chứng chói mắt, bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, nhiễm khuẩn. Không dùng tay dụi mắt, sờ mắt. Chú ý nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng giúp bệnh mau phục hồi.
Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh và kháng viêm để phòng ngừa bội nhiễm cho mắt và hạn chế những triệu chứng khó chịu của bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Trong đông y, đau mắt đỏ gọi là "xích nhãn" hay "hỏa nhãn". Đối với trường hợp bệnh nhẹ có thể sử dụng một số vị thuốc đông y để khu phong, thanh nhiệt, lợi thấp. Trong đó có các thành phần như trà búp, cúc hoa, cam thảo, kim ngân hoa... Các loại thuốc này được sử dụng với liều lượng phù hợp để sắc nước uống trong khoảng 5 ngày.
Rau răm có tính nóng không phù hợp điều trị đau mắt đỏ TRẦN TIẾN DŨNG
Còn rau răm có tên gọi khác là thủy liễu, thủy lục, tên khoa học Persicaria odorata. Rau răm thuộc loại cây thân thảo, có tinh dầu, tính nóng, vị hơi đắng, mùi hơi hắt.
Trong đông y, rau răm được biết đến với công dụng trừ phong hàn, hoạt huyết, tiêu độc, kích thích tiêu hóa (giúp ăn cơm ngon hơn) và chống viêm hạ khí. Bên cạnh đó, loại rau này có tác dụng chữa sốt, chữa rắn cắn và giảm ham muốn tình dục.
"Hiện chưa tìm thấy tài liệu cho thấy rau răm có thể giúp chữa đau mắt đỏ. Ngoài ra, theo lý luận y học cổ truyền, bệnh đau mắt đỏ thuộc phạm vi nhiệt. Tính vị của rau răm cay nồng ấm như đã kể trên thì không phù hợp sử dụng trong đau mắt đỏ", bác sĩ Vũ phân tích.
Mắt là cơ quan quan trọng trong cơ thể. Mắt rất nhạy cảm với những tác động từ bên ngoài. Các thuốc điều trị cho vùng mắt bắt buộc phải đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Y tế. Do đó, theo bác sĩ Vũ việc dùng các phương pháp dân gian đắp, xông rửa mắt không được khuyến cáo tự ý sử dụng tại nhà.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/dung-rau-ram-chua-dau-mat-do-nen-hay-khong-185230828100416384.htm