Sương mù là hiện tượng thời tiết phổ biến, nhưng cũng có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe nếu không được chú ý. Chính khi sương mù được trộn lẫn với các chất ô nhiễm khác, nó sẽ trở nên nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.
Sương mù là hiện tượng thời tiết hay gặp, khi sương mù trộn các chất ô nhiễm khác trong không khí sẽ gây hại cho sức khỏe
Sương mù có thể làm giảm tầm nhìn, gây kích ứng đường hô hấp, làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến tâm trạng của con người. Để phòng tránh những tác hại này, chúng ta cần có những biện pháp phòng ngừa và bảo vệsức khỏekhi gặp sương mù.
Bổ sung đủ vitamin
Vitamin A và vitamin D làm tăng chức năng miễn dịch của cơ thể và cải thiện khả năng chống nhiễm trùng. Bạn có thể bổ sung vitamin A từ dầu gan cá, gan, cà rốt, trứng, sữa và trái cây. Vitamin D được tìm thấy trong một số nguồn thực phẩm, chẳng hạn như dầu gan cá, các loài cá béo, bao gồm cá da trơn, cá hồi và cá thu.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa hiệu quả cao. Nó có thể được bổ sung bằng cách ăn rau và trái cây tươi. Gan và hải sản cũng cung cấp kẽm, selen, đồng và các nguyên tố vi lượng khác, duy trì chức năng của hệ thống miễn dịch. Bổ sung đầy đủ vitamin rất hữu ích để giảm thiểu tác động bất lợi của sương mù.
Uống đủ nước
Tránh mất nước, khô da và nứt nẻ môi. Da niêm nguyên vẹn ngăn ngừa các chất ô nhiễm không khí xâm nhập và gây hại cho cơ thể.
Giữ không khí sạch trong nhà
Ô nhiễm không khí ngoài trời nghiêm trọng hơn nhiều khi sương mù xuất hiện. Sử dụng máy hút bụi, máy lọc không khí để cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Nên tránh chiên rán vì dễ gây ra nhiều khói, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí.
Đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài
Khẩu trang có thể giúp bảo vệ người dùng khỏi bụi độc hại, khói, khí carbon monoxide và các hạt khác. Khẩu trang N95 lọc ít nhất 95% các hạt có đường kính khoảng 0,3µm nên việc sử dụng khẩu trang N95 đã được khuyến nghị trong thời tiết sương mù.
Nhưng những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch hoặc phổi mãn tính có thể bị khó thở và thiếu oxy do sức cản hô hấp lớn khi đeo loại khẩu trang này. Vì vậy, bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc tim mạch nên hạn chế ra ngoài để giảm phơi nhiễm với bụi mịn trong thời tiết sương mù.
Nếu phải ra ngoài, tránh kẹt xe, đồng thời đeo khẩu trang hoặc khăn che mũi miệng để bảo vệ đường hô hấp khỏi vi khuẩn và bụi bẩn từ sương mù. Nếu có triệu chứng kích ứng đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi hoặc viêm họng, hãy uống nhiều nước và đi khám bác sĩ.
Có nên ra ngoài tập thể dục?
Tập thể dục trong môi trường giàu oxy có lợi cho sức khỏe. Sương mù làm tăng độ ẩm không khí và giảm mức oxy. Các kích thích do lạnh vào buổi sáng có thể dễ dàng gây ra sự khởi phát cấp tính của các bệnh tim mạch hoặc hô hấp mãn tính ở người cao tuổi.
Vì vậy, chúng ta nên tránh các hoạt động ngoài trời trong sương mù nếu có thể. Có thể tập các bài thể dục nhịp điệu trong nhà.
Lưu ý đến chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index, gọi tắt là AQI) do Cục Bảo vệ môi trường ban hành.
-Chất lượng không khí tuyệt vời(AQI từ 0 đến 50): mọi người đều có thể tham gia các hoạt động ngoài trời.
-Chất lượng không khí tốt(AQI từ 51 đến 100): hầu hết mọi người có thể tham gia các hoạt động ngoài trời thông thường, ngoại trừ những người dị ứng với một số chất gây ô nhiễm.
-Ô nhiễm không khí nhẹ(AQI từ 101 đến 150): những người nhạy cảm cần giảm các hoạt động thể chất ngoài trời.
-Ô nhiễm không khí ở mức độ vừa phải(AQI từ 151 đến 200): lúc này rất dễ bị nhiễm bệnh nên giảm thiểu các hoạt động ngoài trời.
-Ô nhiễm không khí nghiêm trọng(AQI từ 201 đến 300): những người dễ bị nhiễm bệnh nên dừng mọi hoạt động ngoài trời. Người khỏe mạnh nên giảm thiểu các hoạt động đó.
-Ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng(AQI >300): tất cả mọi người nên ở trong nhà, ngoại trừ những người làm công việc đặc biệt.
Nếu phải di chuyển trong sương mù, bạn cần làm gì?
Khi lái xe trong sương mù hãy giảm tốc độ, bật đèn pha và còi xe, tránh vượt xe và giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác. Khi đi bộ trong sương mù hãy mặc quần áo sáng màu hoặc có phản quang, để dễ dàng nhận biết và tránh bị va chạm.
Sương mù có thể làm giảm ánh sáng mặt trời và ảnh hưởng đến nội tiết tố serotonin, gây ra cảm giác buồn chán, thiếu năng lượng và trầm cảm. Để khắc phục điều này, chúng ta nên tận dụng ánh sáng tự nhiên khi có thể, hoặc sử dụng đèn giả lập ánh sáng ban ngày.
Sương mù không phải là hiện tượng thời tiết nguy hiểm nếu chúng ta biết cách phòng tránh và bảo vệ sức khỏe. Thay đổi lối sống, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mới và sạch là cần thiết để hạn chế ô nhiễm không khí và giảm sự xuất hiện của sương mù và khói mù, điều này chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe và sự phát triển của con người.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/lam-gi-de-bao-ve-suc-khoe-khi-co-suong-mu-hay-chat-luong-khong-khi-khong-duoc-tot-20230825091851432.htm