Ba loại ung thư hay gặp nhất ở Việt Nam là ung thư gan, phổi và vú, trong đó riêng ung thư phổi có 26.000 ca mắc/năm nhưng có tới 23.000 ca tử vong.
Trong thuốc lá có các thành phần hydrocacbon thơm, đây là tác nhân gây ung thư phổi và các loại ung thư khác - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là năm đầu tiên chiến dịch sàng lọc sớm ung thư phổi có tên là "Thương phổi" - Tầm soát ngay - sớm chữa lành được Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) triển khai, với sự hỗ trợ của Bệnh viện K, Ung bướu Hà Nội, Tâm Anh, Ung bướu Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.
Chương trình sẽ kéo dài đến năm 2025. Riêng đợt đầu tiên phát động chiến dịch, có 500 người từ 50 tuổi trở lên và có yếu tố nguy cơ cao được tầm soát bệnh miễn phí.
Nhiều bệnh nhân đến muộn
Theo ông Trần Văn Thuấn - thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi năm thế giới có 13,9 triệu ca mắc ung thư mới, 9,9 triệu ca tử vong do ung thư. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 183.000 ca mắc mới và 122.000 ca tử vong do ung thư. Ba loại ung thư gay gặp nhất là gan, phổi và vú, trong đó riêng ung thư phổi có 26.000 ca mắc/năm nhưng có tới 23.000 ca tử vong.
"Khoảng cách giữa số mắc và tử vong rất ngắn cho thấy mức độ ác tính của loại ung thư này, nhưng quan trọng hơn là có đến 75% người bệnh đi khám khi đã ở giai đoạn muộn. Trong khi nếu phát hiện sớm chỉ cần phẫu thuật với chi phí điều trị thấp, từ giai đoạn 2 trở đi phải điều trị kết hợp thuốc, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị với chi phí tăng gấp bội" - ông Thuấn nói.
Cũng theo ông Thuấn, hơn 90% ca bệnh ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá, người hút thuốc nguy cơ ung thư tăng 15-30 lần so với bình thường. Và không chỉ người hút thuốc, phụ nữ, trẻ em hút thuốc lá thụ động (sống/làm việc trong môi trường có người hút thuốc) cũng gặp nguy cơ này.
Tại Việt Nam hiện đã có chiến dịch sàng lọc sớm ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến và đến nay có chiến dịch sàng lọc sớm ung thư phổi. Chương trình này cũng nhằm nâng nhận thức của cộng đồng trong dự phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư.
Tuy nhiên để chương trình mở rộng ra nhiều loại ung thư và số người được/tham gia sàng lọc lớn hơn, ông Thuấn cho rằng phải gắn với chính sách, trong đó có chính sách bảo hiểm y tế chi trả phí sàng lọc sớm một số bệnh lý.
"Bộ Y tế đang được giao phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, chúng tôi kỳ vọng đưa được nội dung này vào Luật sửa đổi" - ông Thuấn nói.
Ai cần sàng lọc ung thư phổi sớm?
Theo thông tin từ Bệnh viện K, sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi được thực hiện bằng một số kỹ thuật như chụp X-quang phổi; chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực liều thấp; dấu ấn sinh học (biomarker) như microRNA trong mẫu máu...
Sàng lọc ung thư phổi với chụp CT liều thấp (low-dose computed tomography) được cho là tiến bộ lớn trong sàng lọc phát hiện sớm ung thư phổi. Người bệnh ung thư phổi có triển vọng sống trong thời gian dài nhờ áp dụng sàng lọc phát hiện sớm với CT liều thấp.
Nghiên cứu về sàng lọc ung thư phổi với gần 7.000 người tham gia tại Trung Quốc, áp dụng CT liều thấp đã giúp tăng 74,1% tỉ lệ phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm. Đồng thời, sàng lọc ung thư phổi với CT liều thấp giúp giảm tỉ lệ tử vong do ung thư phổi là 20% so với chụp X-quang phổi.
Nghiên cứu đánh giá chi phí hiệu quả sàng lọc bằng CT liều thấp tại Hà Lan năm 2019 cũng cho rằng sàng lọc ung thư phổi bằng phương pháp này sẽ tiết kiệm chi phí cho nhóm đối tượng nguy cơ cao và giảm tỉ lệ tử vong do ung thư phổi.
Các yếu tố nguy cơ chính của ung thư phổi gồm có hút thuốc lá (chủ động, thụ động); tiền sử gia đình có người ung thư phổi; phơi nhiễm nghề nghiệp (amiăng, bụi hoặc bức xạ...), ô nhiễm không khí, độ tuổi và yếu tố về gene khác.
Trong đó, hút thuốc là yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư phổi, khoảng 80% trường hợp tử vong do ung thư phổi được xác định nguyên nhân là do hút thuốc.
Đồng thời, những người mắc ung thư phổi chủ yếu có độ tuổi trên 50. Do đó, các chương trình sàng lọc ung thư phổi xác định người có nguy cơ cao dựa trên 2 yếu tố chính là độ tuổi và tình trạng hút thuốc của người tham gia.
Trong đó, chương trình quốc gia sàng lọc ung thư phổi sử dụng CT liều thấp của Mỹ và chương trình của Hàn Quốc xác định người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi là những người có độ tuổi trong khoảng từ 55 - 74 và có tiền sử hút tối thiểu 30 gói thuốc/năm (nếu đã bỏ thuốc thì cách đây không quá 15 năm).
Chương trình sàng lọc ung thư phổi sử dụng CT liều thấp được áp dụng triển khai hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Hầu hết các quốc gia tại châu Âu, châu Mỹ (như Mỹ, Canada, Brazil...) đã và đang triển khai các chương trình sàng lọc ung thư phổi cho người dân.
Trong đó, tỉ lệ tử vong do ung thư phổi đã giảm 24% (nam giới) và 33% (nữ giới) tại Hà Lan và Bỉ trong nghiên cứu thử nghiệm NELSON với thời gian 10 năm. Tại Mỹ, tỉ lệ tử vong do ung thư phổi đã giảm 20% trong nghiên cứu thử nghiệm sàng lọc phổi trong thời gian 5 năm.
Tại châu Á có một số nước đã xây dựng và triển khai, đặc biệt Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố hướng dẫn tầm soát ung thư phổi trên toàn quốc. Trong đó, chương trình sàng lọc ung thư phổi tại Hàn Quốc có nhiều điểm có thể phù hợp khi áp dụng trên người có nguy cơ cao mắc ung thư phổi tại Việt Nam.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vi-sao-ung-thu-phoi-co-ti-le-tu-vong-cao-20230814230811693.htm