Tất cả chúng ta đều sẽ cảm thấy buồn vào một số thời điểm nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu cảm giác buồn bã, không muốn làm gì kéo dài suốt vài tuần thì có thể là đang bị trầm cảm. Tùy vào mức độ trầm cảm mà một số cách có thể giúp giảm trầm cảm và cải thiện tâm trạng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 5% người trưởng thành trên thế giới bị trầm cảm. Trầm cảm có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau, đi kèm với các triệu chứng như cảm giác tự ti, mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung và tuyệt vọng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Tập thể dục và kết nối với người khác có thể giúp giảm triệu chứng trầm cảm SHUTTERSTOCK
Có một số phương pháp điều trị khác nhau đối với trầm cảm, chẳng hạn trị liệu tâm lý hay đến gặp bác sĩ tâm thần. Trầm cảm nặng cần dùng thuốc nhưng trầm cảm vừa và nhẹ có thể thuyên giảm mà không cần can thiệp bằng thuốc.
Để cải thiện trầm cảm, người mắc có thể thử những cách sau:
Hãy di chuyển
Đối với người bị trầm cảm, việc rời khỏi giường vào buổi sáng có thể trở nên rất khó khăn. Dù cơ thể mệt mỏi nhưng nếu họ cố gắng đứng dậy và vận động thì sẽ tác động tích cực đến tinh thần.
Nghiên cứu trên chuyên san The Primary Care Companion to the Journal of Clinical Psychiatry phát hiện duy trì tập thể dục có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng trầm cảm. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có việc tập thể dục đã giúp cơ thể giải phóng hoóc môn endorphin và giảm suy nghĩ về những chuyện gây đau buồn.
Các bài tập phù hợp với người trầm cảm là đi bộ, chạy bộ, tập HIIT, nâng tạ hay bất kỳ môn thể thao nào họ yêu thích.
Ăn đúng thực phẩm
Các loại hạt (ảnh) và rau sẽ giúp bổ sung selen, dưỡng chất cần thiết để cải thiện tâm trạng SHUTTERSTOCK
Ruột là nơi lưu giữ serotonin, loại hoóc môn giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu. Ăn đúng loại thực phẩm sẽ giúp kích thích serotonin và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Một số vitamin và khoáng chất được xác định là có thể cải thiện tâm trạng và ức chế lo lắng. Các loại hạt và rau sẽ giúp bổ sung selen, dưỡng chất cần thiết để cải thiện tâm trạng. Vitamin B trong rau lá xanh, trứng cũng giúp kiểm soát trầm cảm và lo âu.
Thực hành chánh niệm
Con người dễ sa lầy vào những cảm xúc của quá khứ hoặc lo lắng về tương lai. Thực hành chánh niệm sẽ giúp chúng ta tạm ngừng những suy nghĩ đó lại và tập trung hoàn toàn vào hiện tại. Nhờ đó, bộ máy tâm trí sẽ giảm áp lực khi phải tua đi tua lại các suy nghĩ gây căng thẳng.
Bạn có thể dừng lại để thưởng thức mùi hương, âm thanh hay cảm nhận sự hiện diện của những thứ xung quanh. Tập trung thở chậm, lắng nghe nhịp thở cũng là cách giúp bản thân ở lại với hiện tại khi thực hiện chánh niệm.
Kết nối với mọi người
Trầm cảm làm hao mòn năng lượng, khiến người mắc có xu hướng tự thu rút mình lại và xa lánh bạn bè, gia đình. Để ngăn ngừa trầm cảm, việc kết nối lành mạnh với người khác là rất cần thiết.
Nghiên cứu của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ) cho thấy thay vì xem tivi hay ở nhà một mình thì kết nối với người khác, chẳng hạn gặp gỡ bạn bè, có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm. Dù việc kết nối với người khác đôi khi có thể khó nhưng hãy bắt đầu bằng buổi hẹn cà phê, xem phim hay tham gia các hội nhóm, theo Medical News Today.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/4-cach-giup-doi-pho-tram-cam-ma-khong-can-dung-thuoc-185230730225759281.htm