Bệnh tiểu đường cũng có thể làm tâm trạng của một người bị ảnh hưởng, do lượng đường trong máu thay đổi thất thường.
Lượng đường trong máu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của chúng ta. Ở người bệnh tiểu đường, chỉ số đường huyết cao có thể khiến bệnh nhân dễ có cảm giác tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống, theo chuyên trang sức khỏe Healthline.
Đây cũng là lý do vì sao người bệnh tiểu đường cần tích cực kiểm soát mức đường huyết ở mức bình thường. Theo Hiệp hội tiểu đường Mỹ, chỉ số đường huyết lý tưởng mà bệnh nhân tiểu đường nên duy trì là từ 80-130mg/dl trước khi ăn, và khoảng 180 ml/dl (hoặc thấp hơn) trong vài giờ sau khi ăn.
Khi lượng đường trong máu thấp có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, lo lắng, dễ cáu bẳn... SHUTTERSTOCK
Nếu chỉ số đường huyết cao hoặc thấp hơn con số này đều có thể là nguồn gốc của việc thay đổi tâm trạng thất thường.
Cụ thể, khi lượng đường trong máu thấp có thể khiến bạn cảm thấy bối rối, lo lắng, dễ cáu bẳn, bồn chồn, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi… Còn khi mức đường huyết cao có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng, dễ tức giận, buồn bực, lo lắng… nghiêm trọng hơn cũng có thể khiến bạn hôn mê.
Ngoài lượng đường trong máu, bệnh nhân tiểu đường có thể bị tâm trạng thất thường do căng thẳng thường xuyên.
Nghiên cứu đã chỉ ra khoảng 30-40% người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường cho biết họ cảm thấy căng thẳng vì phải điều trị suốt đời, thay đổi quá nhiều thói quen sinh hoạt, ăn uống… Một nghiên cứu khác cũng cho biết cứ 4 bệnh nhân tiểu đường sẽ có 1 người có nguy cơ cao bị trầm cảm, và phụ nữ cũng dễ gặp tình trạng này hơn nam giới, theo Healthline.
Nếu bạn cảm thấy những lo lắng thất thường vì bệnh tiểu đường đang khiến bản thân mệt mỏi hay kiệt sức, hãy sớm liên hệ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được giúp đỡ. Bởi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cũng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, không kém kế hoạch điều trị bệnh tiểu đường của bạn.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/benh-tieu-duong-co-the-gay-ra-tam-trang-that-thuong-185230628204149679.htm