Biểu hiện ban đầu của bệnh là nhức đầu liên tục, nhức cả vùng đầu và có tính chất lan sang nhiều vùng khác. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những cơn động kinh nặng nhẹ khác nhau.
Sau khi xuất hiện tình trạng đau nhức đầu, ông T., 56 tuổi, sống tại Phú Thọ đã đến khám tại Trung tâm y Tế huyện Tân Sơn. Bệnh nhân được các bác sĩ thăm khám và chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não.
Tại khoa Chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, các bác sĩ kết luận trong sọ não bệnh nhân T. có hình ảnh nang ký sinh trùng (ấu trùng sán não - neurocysticercosis).
Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân T. cho biết ông có thói quen ăn gỏi cá.
Theo các bác sĩ, bệnh kén sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, có mức độ nguy hiểm rất cao.
Ảnh chụp não của bệnh nhân (Ảnh: Trung tâm cung cấp).
Biểu hiện ban đầu của bệnh là nhức đầu liên tục, nhức cả vùng đầu và có tính chất lan sang nhiều vùng khác. Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải những cơn động kinh nặng nhẹ khác nhau.
Trên thực tế, ăn đồ sống là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người bị nhiễm các loại ký sinh trùng.
Một trong những loại khuẩn gây bệnh quen thuộc nhất là phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây bệnh tả. Người mắc bệnh tả có biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy, nôn nhiều lần, nhanh chóng dẫn đến mất nước, mất điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ diễn tiến trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong.
Theo Bệnh viện Bạch Mai, chúng ta có nguy cơ cao nhiễm phẩy khuẩn khi ăn các loại hải sản sống như hàu sống, gỏi cá, gỏi mực… hoặc hải sản không được chế biến đúng cách.
Bên cạnh phẩy khuẩn, hải sản còn là nơi trú ngụ của nhiều loại ký sinh khác như virus viêm gan siêu vi A, giun sán. Nếu ăn hải sản không nấu chín kỹ, chúng ta có nguy cơ mắc các bệnh kí sinh trùng, viêm gan A…
Trong khi đó, thói quen ăn rau sống đặc biệt là các loại rau thủy sinh như rau ngổ, rau nhút, cải xoong, rau cần, rau muống, ngó sen rất dễ có sán lá gan lớn, sán lá ruột ký sinh.
Người nhiễm sán lá ruột thường có triệu chứng mệt mỏi, đôi khi đau bụng tiêu chảy, thiếu máu nhẹ. Ở giai đoạn phát bệnh, bệnh nhân có thể thấy sụt cân, thiếu máu, đau bụng tiêu chảy thất thường, phân lỏng có nhiều chất nhầy lẫn nhiều thức ăn không tiêu.
Tiêu chảy có thể kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần, người bệnh thường đau ở vùng hạ vị và có thể xảy ra những cơn đau dữ dội, bụng bị chướng, nhất là trẻ em.
Từ thực tế này, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cần đề phòng nhiễm bệnh bằng những biện pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm ấu trùng như:
- Giữ môi trường sống sạch sẽ.
- Ăn uống hợp vệ sinh.
- Không ăn thức ăn chưa nấu chín như gỏi cá, tiết canh...
- Luôn rửa tay sạch với xà phòng trước và sau khi đi vệ sinh.
- Hạn chế thả rông lợn, nếu nuôi lợn thì phải tuân thủ những quy trình xử lý phân, hay ngăn cách địa điểm nuôi với môi trường sống.
- Tẩy giun sán định kỳ.
Khi thấy trong người có các biểu hiện như đau nhức đầu liên tục, chóng mặt, mất ngủ..., người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/san-lam-to-trong-nao-vi-mon-ca-nhieu-nguoi-viet-thich-me-20230623143229558.htm