Nếu trẻ em thừa cân, béo phì sẽ tăng nguy cơ béo phì khi trưởng thành. Trẻ béo phì hay mắc các bệnh đường hô hấp trên và các bệnh xương khớp hơn nhóm trẻ có cân nặng bình thường.
Trẻ thừa cân, béo phì nên có chế độ ăn hợp lý để tránh mắc các bệnh chuyển hóa - Ảnh minh họa
Ngoài ra nếu không kiểm soát cân nặng, béo phì làm tăng rủi ro về bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh mạn tính khác.
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Y học ứng dụng, lưu ý trẻ béo phì cần duy trì mức năng lượng hợp lý, hạn chế chất béo động vật, hạn chế thực phẩm có lượng đường cao như bánh, kẹo, nước ngọt…
Nên ăn thịt gà, cá, đậu phụ, các loại trái cây ít ngọt như dưa hấu, nho ta, dưa bở, đây là những loại quả có thể sử dụng không hạn chế. Những loại trái cây ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, xoài chín nên ăn tuần khoảng 2-3 lần với số lượng vừa phải.
Trẻ thừa cân, béo phì nhưng trong chế độ ăn vẫn cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất: chất đạm, chất béo, chất bột đường, chất xơ để đủ năng lượng cho trẻ phát triển, tăng trưởng.
Tuyệt đối không bắt trẻ bỏ bữa. Vì nếu bỏ bữa, cơ thể trẻ sẽ mệt mỏi và những bữa sau sẽ ăn nhiều hơn dẫn tới tích lũy mỡ thừa nhanh hơn.
Chú ý bữa sáng cần cho trẻ ăn ở mức trung bình để có đủ năng lượng hoạt động. Giảm dần lượng thức ăn vào buổi trưa và buổi tối. Bữa ăn tối không để trẻ ăn nhiều bởi buổi tối ít hoạt động thể chất, năng lượng tiêu hao ít, dễ tích lũy mỡ thừa.
Bữa tối không nên ăn sau 20h và không cho trẻ uống sữa trước giờ đi ngủ. Khoảng 30 phút trước bữa ăn, nên cho trẻ uống một ly nước hoặc uống một bát nước canh rau luộc, canh rau để trẻ có cảm giác no và giảm được lượng thức ăn khi vào bữa. Và nên nhớ, không để trẻ béo phì ăn quá no.
Lưu ý, với các loại trái cây nên cho trẻ ăn thô, không nên ép nước trái cây vì nước ép sẽ nhiều đường hơn so với ăn thô.
Ngoài ra, ăn trái cây nguyên quả, nguyên miếng sẽ giúp cung cấp cho trẻ lượng chất xơ, giúp trẻ no lâu hơn. Nên lựa chọn các loại trái cây ít ngọt cho trẻ dùng.
Trẻ thừa cân, béo phì nhưng không có nghĩa là sẽ kiêng sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai...), mà sử dụng các loại sữa tách béo, sữa ít béo, ít đường hoặc sữa không đường. Sữa tươi không hoặc ít đường là sự lựa chọn hợp lý. Không để trẻ ăn vặt quá nhiều là một trong những việc quan trọng nhất cần phải áp dụng đối với trẻ thừa cân, béo phì.
Trẻ thừa cân, béo phì nên hạn chế tinh bột và chất béo, nhưng không phải kiêng hoàn toàn hai chất này. Bởi tinh bột cung cấp khoảng 57% tổng năng lượng cho cơ thể ở trẻ em.
Nếu giảm lượng tinh bột quá nhiều sẽ khiến trẻ cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, choáng váng, đau đầu, kém khả năng tập trung khi học tập, bởi glucose là thành phần chính của tinh bột cung cấp năng lượng cho não hoạt động.
TS Trương Hồng Sơn cho hay nhiều người áp dụng chế độ ăn giảm béo không dầu mỡ của người lớn cho trẻ em. Nhưng điều này là sai lầm. Đối với trẻ em, tỉ lệ năng lượng cung cấp từ dầu mỡ chiếm khoảng 25% tổng năng lượng.
Cần lựa chọn hợp lý các chất béo có lợi bổ sung vào trong chế độ ăn của trẻ thay vì cắt giảm. Nên chọn quả bơ, dầu ô liu, cá béo để thay thế các món ăn xào rán, ít sử dụng các loại thịt lẫn mỡ của gia súc và gia cầm.
Giảm các thực phẩm nhiều tinh bột tinh và chất béo có hại bằng cách: Thay đổi cách chế biến thức ăn, hạn chế các món rán, xào, nên cho trẻ ăn các món luộc, hấp; lựa chọn thực phẩm lành mạnh hợp lý
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/tre-map-map-thua-can-can-an-nhu-the-nao-de-tranh-benh-20230620144119952.htm