Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, bệnh lý, hormone tăng trưởng…
Đo chiều cao cho trẻ tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Ảnh: T.Phương
Ngày 18-6, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM tổ chức lễ khởi động chương trình "Tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em" lần thứ 7.
Đây là chương trình tầm soát miễn phí cho trẻ em chưa dậy thì có nghi ngờ chiều cao thấp hơn so với độ tuổi, nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ do thiếu hormone tăng trưởng.
Tại buổi lễ, TS.BS Lê Cao Phương Duy, phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết: "Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong số ít bệnh viện trong TP điều trị bệnh này. Chương trình bắt đầu được triển khai từ năm 2017 và diễn ra vào dịp hè. Qua 7 năm, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 1.000 trẻ".
Theo số liệu từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng là gần 200 trẻ. Riêng trong năm 2022, có gần 400 trẻ tham gia chương trình tầm soát và có 25 trẻ điều trị bằng hormone tăng trưởng.
Năm nay, chương trình dự kiến tiếp nhận hơn 400 trẻ đến thăm khám. Ngay trong tuần đầu tiên, số trẻ được tiếp nhận thăm khám là gần 100 trẻ, không chỉ tại TP.HCM mà còn ở các tỉnh thành lân cận.
BSCKI Trần Thị Ngọc Anh, khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, bệnh lý, hormone tăng trưởng.
Bác sĩ Ngọc Anh nhấn mạnh về yếu tố môi trường, nếu trẻ được sống trong một môi trường yêu thương, được quan tâm, vệ sinh sạch sẽ, đi ngủ sớm, được vận động mỗi ngày dưới ánh nắng mặt trời làm quá trình hấp thu can xi và vitamin tốt hơn, giúp trẻ cao hơn.
Theo các bác sĩ, phụ huynh ngày càng quan tâm đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn cho rằng nguyên nhân con có chiều cao thấp chủ yếu do dinh dưỡng.
Không ít phụ huynh chưa hiểu biết đúng và đủ về chứng chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống, hoặc tốc độ tăng trưởng ≤4cm/năm và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì rất có thể trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng, và nên được đưa đi khám nội tiết sớm.
Theo bác sĩ Ngọc Anh, trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng phải được khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ nội tiết nhi. Nếu trẻ được chẩn đoán chính xác là chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng thì sẽ được tư vấn điều trị bổ sung hormone tăng trưởng. Việc điều trị cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong giai đoạn từ 4-13 tuổi, trước khi các sụn xương đóng lại.
Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt hormone cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12cm/năm.
"Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung hormone hay ngưng bổ sung. Điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng là một quá trình lâu dài, có thể kéo dài nhiều năm, do đó, cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều cần kiên trì, đồng hành sát sao để mang lại kết quả tốt nhất", bác sĩ Ngọc Anh cho hay.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/lam-the-nao-de-giup-tre-tang-chieu-cao-20230618105425751.htm