Sau 10 ngày uống loại thuốc điều trị bệnh động kinh, da bé trai bất ngờ nổi các vết sẩn đỏ, lan dần ra toàn thân và sau đó bong tróc, làm cơ thể biến dạng nặng nề.
Đó là trường hợp của bé Tân (10 tuổi, tên đã thay đổi). Theo bệnh sử, bé trai bị bệnh động kinh, điều trị bằng thuốc Depakine trong suốt 1 năm. Cách thời điểm nhập viện hai tuần, bé được cho sử dụng Lamotrigine (một loại thuốc chống co giật, điều trị bệnh động kinh và rối loạn lưỡng cực).
Da của bé trai nổi sẩn đỏ rồi bong tróc, loét toàn thân (Ảnh: BS).
Sau khi uống thuốc trên 10 ngày, bé bắt đầu xuất hiện tình trạng nổi các vết sẩn đỏ rồi lan dần ra trợt da (tổn thương do mất một phần hoặc toàn bộ lớp thượng bì trên da) toàn thân.
Khi vào Bệnh viện Da Liễu TPHCM, bệnh nhi đã trong tình trạng phát ban và loét rộp khắp người, biến dạng cơ thể.
Dựa vào bệnh sử và triệu chứng của cháu bé, các bác sĩ đã cho bệnh nhi làm xét nghiệm xác định kiểu gen alen HLA-B*1502 để sàng lọc nguy cơ xảy ra các phản ứng da nghiêm trọng khi dùng thuốc động kinh, như hội chứng Stevens Johnson (SJS), ly thượng bì nhiễm độc (TEN), DRESS…
Ekip điều trị đã cho bệnh nhi ngừng dùng thuốc Depakine và Lamotrigine, chuyển sang điều trị bằng Levetiracetam, kết hợp với thuốc chống dị ứng, kháng viêm, thuốc ức chế miễn dịch và theo dõi sát tình trạng.
Sau 11 ngày điều trị, tình trạng viêm da cải thiện, các tổn thương, bong tróc bắt đầu khô, bệnh nhi hồi phục hoàn toàn và được cho xuất viện.
Da bệnh nhi phục hồi (phải) sau 11 ngày điều trị (Ảnh: BS).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Đoan Phượng, Trưởng khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, phản ứng da do thuốc (CADR) là biểu hiện không mong muốn do sử dụng thuốc, chiếm 35% trong tổng số các phản ứng có hại của thuốc ở trẻ em.
Khoảng 2,5% số trẻ em điều trị bằng thuốc gặp phải tình trạng này. CADR xảy ra đa dạng ở mọi độ tuổi, từ sơ sinh cho đến thanh thiếu niên. Bệnh có thể xảy ra đồng thời khi trẻ bị phát ban da, nhiễm virus hoặc vi trùng, nên có thể bị nhầm lẫn trong chẩn đoán.
Phát ban, nổi mề đay, bóng nước, mụn mủ là những triệu chứng thường gặp nhất khi trẻ bị CADR. Hiếm gặp hơn là việc trẻ có thể mắc Hội chứng DRESS, với các triệu chứng lúc mới bắt đầu là phát ban dát sẩn, viêm môi, ban xuất huyết…
Nếu để đến giai đoạn trễ, bệnh nhân sẽ bị đỏ da, viêm da tróc vảy toàn thân, sốt phù mặt, nổi hạch, bất thường bạch cầu. Thậm chí, bệnh nhân sẽ bị rối loạn chức năng đa cơ quan, đặc biệt là gan.
Nghiêm trọng hơn, bệnh nhi có thể bị hội chứng SJS, TEN hoặc phát ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP). Trong đó, tỷ lệ tử vong khi mắc hội chứng TEN là 16%.
Bác sĩ Võ Thị Đoan Phượng thăm khám cho một trường hợp bị tổn thương da (Ảnh: BV).
Có nhiều loại thuốc có thể gây ra dị ứng da dẫn đến các hội chứng nặng, như thuốc chống động kinh, allopurinol (thuốc trị bệnh gout), kháng sinh, tác nhân sinh học, kháng nấm, chất cản quang…
Do đó, tất cả các phản ứng thuốc dù nhỏ cũng cần được xem xét nghiêm túc, xử trí thích hợp và theo dõi kỹ càng để tránh gây hậu quả lớn.
Bác sĩ Đoan Phượng cảnh báo, phản ứng da do thuốc rất đa dạng, thay đổi trong quá trình phát triển của trẻ, có thể xảy ra đồng thời với các bệnh khác, nên sẽ tạo ra thách thức trong chẩn đoán, điều trị. Để giúp giảm gánh nặng CADR ở trẻ em, trong tương lai cần phát triển các xét nghiệm di truyền.
Với phụ huynh, khi thấy con bất ngờ xuất hiện tổn thương, bóng nước trên da thì phải đưa đến bệnh viện để kiểm tra ngay để kịp thời điều trị, tránh dẫn đến biến chứng nặng.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/be-trai-10-tuoi-bien-dang-da-toan-than-nang-ne-sau-khi-uong-thuoc-dong-kinh-20230612170616485.htm