Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao, hormone tăng trưởng…
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, trong các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao thì yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng, theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3.000 - 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.
"Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp trẻ đến khám tại bệnh viện, phụ huynh cũng đã cho trẻ điều trị và can thiệp dinh dưỡng trước đó nhưng không có sự cải thiện. Khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ được cải thiện chiều cao đáng kể", bác sĩ Anh chia sẻ.
Trẻ khám tầm soát chiều cao tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương BVCC
Vai trò của hormone tăng trưởng trong phát triển chiều cao
GH là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến yên trong não và có tác dụng giúp trẻ phát triển, chủ yếu trong giai đoạn tuổi dậy thì. GH đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ cơ xương, quyết định chiều cao của cơ thể; đồng thời còn tác động lên chức năng chuyển hóa của cơ thể bao gồm sự phân bố dịch, chuyển hóa lipid, prorein, cacbohydrate, sức cơ và hệ tim mạch.
Thiếu GH là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề về sản xuất và phóng thích hormone tăng trưởng không đủ. Thiếu hormone tăng trưởng có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu nặng, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não… Thiếu hormone tăng trưởng có thể bẩm sinh hoặc mắc phải, xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Trong một số trường hợp, việc thiếu hormone tăng trưởng không xác định được nguyên nhân.
Thiếu GH có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ so với những đứa trẻ trong cùng độ tuổi. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD hoặc dưới 5cm/năm). Trong những trường hợp bình thường, hormone tăng trưởng thúc đẩy sự phát triển của các mô cơ thể. Trẻ em bị thiếu hụt hormone tăng trưởng một phần hoặc hoàn toàn sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng khỏe mạnh.
Tốt nhất trong khoảng 4-13 tuổi
Theo bác sĩ Anh, khi trẻ được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH sẽ chỉ định bổ sung GH. Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế sự thiếu hụt hormone tăng trưởng cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung.
Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao từ 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung GH hay ngưng bổ sung. Để việc điều trị GH đạt hiệu quả, cần tiến hành đúng thời điểm, đúng liều lượng, tốt nhất trong độ tuổi 4-13. Nếu qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng.
Bổ sung GH ngoài được chỉ định cho các trường hợp thiếu hormone tăng trưởng, còn được chỉ định điều trị trong trường hợp trẻ chậm cao do suy thận mạn, trẻ sinh ra có chiều cao thấp so với tuổi thai (SGA), lùn vô căn (GHD, ISS).
Theo bác sĩ Anh, một số trường hợp thiếu hụt hormone tăng trưởng được nhờ chẩn đoán và can thiệp kịp thời đã giúp phát triển chiều cao, thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52 cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25 cm, sang năm thứ 2 tăng 12 cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7 cm. Từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Từ năm 4-11 tuổi, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6 cm/năm. Đến tuổi dậy thì, bé gái tăng khoảng 6 - 10 cm mỗi năm, bé trai tăng từ 6,5 - 11 cm mỗi năm. Trường hợp trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi, cha mẹ nên cho trẻ đi khám và tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao sớm.
Nếu không được điều trị, trẻ thiếu hormone tăng trưởng có chiều cao trung bình chỉ từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống sau này của trẻ mà còn có thể khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng vì sự mặc cảm, tự ti khi so với bạn bè đồng trang lứa.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/khi-nao-can-tiem-hormone-tang-truong-de-tang-chieu-cao-cho-tre-185230601144735566.htm