Các nguyên nhân gây ra cảm giác căng tức phía mắt rất đa dạng. Nếu chỉ gây cảm giác khó chịu nhẹ thì có thể tự chăm sóc tại nhà. Nhưng trong trường hợp cảm giác căng tức xuất hiện đột ngột và nghiêm trọng thì cần phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Cấu tạo của mắt
Mắt là cơ quan có cấu tạo cực kỳ phức tạp. Mỗi phần trong mắt đều đóng vai trò quan trọng với thị giác. Lớp ngoài cùng của mắt là giác mạc, mống mắt và con ngươi, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Mỹ).
Các nguyên nhân gây ra cảm giác căng tức phía mắt rất đa dạng SHUTTERSTOCK
Giác mạc là lớp trong suốt hình vòm, bao phủ đồng tử, mống mắt và củng mạc. Đồng tử còn được gọi con ngươi, trong khi mống mắt là phần có màu bao quanh đồng tử. Tùy theo yếu tố di truyền mà mống mắt có màu khác nhau như đen, nâu, xám, xanh lá cây hay xanh da trời. Củng mạc là phần tròng trắng của mắt.
Đồng tử là nơi cho ánh sáng đi vào mắt, mống mắt sẽ kiểm soát lượng ánh sáng đi qua bằng cách thay đổi độ giãn đồng tử. Bên trong mắt còn có võng mạc, điểm vàng, dây thần kinh thị giác và một số bộ phận khác. Với cấu trúc này, các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây các vấn đề thị lực hoặc nhãn áp.
Những nguyên nhân gây cảm giác căng tức phía sau mắt
Có rất nhiều nguyên nhân gây cảm giác căng tức phía sau mắt. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là viêm xoang. Đây là tình trạng mà lớp niêm mạc bên trong xoang mũi bị viêm, thường là do vi khuẩn hoặc virus. Các triệu chứng thường gặp của viêm xoang là nghẹt mũi, sốt, nhức đầu hay căng tức xoang. Trong một số trường hợp, người bệnh còn có cảm giác căng tức sau mắt.
Cảm giác căng tức sau mắt ở mức độ nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng thì cần phải đến bệnh viện kiểm tra ngay SHUTTERSTOCK
Một nguyên nhân khác gây căng tức sau mắt là đau nửa đầu. Cơn đau có thể dữ dội kèm theo các triệu chứng như đau nửa bên mặt, sụp mí mắt, đau cơ cổ, vai và một số triệu chứng khác.
Bệnh Graves, một dạng rối loạn tự miễn với các vấn đề như cường giáp, lồi mắt, cũng có thể gây cảm giác căng tức sau mắt. Những nguyên nhân khác là viêm dây thần kinh thị giác, chấn thương mặt, đau răng, nhất là đau do nhiễm trùng.
Trong một số trường hợp, nguyên nhân có thể là tăng nhãn áp. Đây là trường hợp khẩn cấp cần phải được điều trị ngay lập tức.
Cảm giác căng tức sau mắt ở mức độ nhẹ có thể tự chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng thì cần phải đến bệnh viện kiểm tra ngay. Khi đó, người bệnh không chỉ bị căng tức mức độ nghiêm trọng mà còn kèm theo các triệu chứng bất thường khác như mờ mắt, buồn nôn, ói mửa, theo Medical News Today.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cam-giac-cang-tuc-phia-sau-mat-co-nguy-hiem-khong-18523050818253228.htm