Có rất nhiều loại nấm khác nhau nằm trong chi Cordyceps (tức là chi nấm của đông trùng hạ thảo), tuy nhiên không phải loại nào cũng dùng được, thậm chí một số loại còn có độc tính.
Hàng chục ca nhập viện cấp cứu do ngộ độc nấm
Trong 2 tuần gần đây, liên tiếp nhiều ca nhập viện cấp cứu do ngộ độc nấm.
Trưa 3.6, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 6 bệnh nhân có các dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu. Trong đó, 5 bệnh nhân lớn tuổi được cấp cứu, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, 1 bệnh nhi đang được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh.
Theo lời một bệnh nhân, những ngày qua, tại địa phương có nhiều người đào nấm mọc từ xác nhộng ve sầu để bán vì lầm tưởng là thức ăn bổ dưỡng như đông trùng hạ thảo. Người thân trong gia đình anh cũng đi đào được hơn mười cây nấm màu đỏ mọc từ xác ấu trùng ve sầu quanh nhà và nấu cho 5 người trong nhà ăn.
Hình ảnh loại nấm mọc từ ấu trùng ve sầu được người dân đào lên nấu ăn dẫn đến ngộ độc SỞ Y TẾ ĐẮK LẮK
Trước đó, ngày 29.5, Bệnh viện Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết 4 bệnh nhân ngộ độc do ăn nấm lạ vào bệnh viện cấp cứu, trong đó có 2 trường hợp nặng đã chuyển lên TP.HCM. Theo đó, 4 người này có ăn một loại nấm hái từ trên núi xuống trong bữa cơm trưa. Sau khi ăn vài phút thì tất cả bị mệt mỏi, đau bụng dữ dội.
Cách đó 5 ngày, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một trường hợp nam bệnh nhân (34 tuổi, ngụ H.Đức Linh, Bình Thuận) bị ngộ độc sau ăn xác nhộng ve sầu vì lầm tưởng là thức ăn bổ dưỡng đông trùng hạ thảo. Người này đi làm vườn và đào thấy xác nhộng ve sầu cùng với hình thù cây nấm nên nghĩ là đông trùng hạ thảo, mang về ăn.
Nhiều loại chi nấm của đông trùng hạ thảo có độc
Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết (Bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết có rất nhiều loại nấm khác nhau nằm trong chi Cordyceps (tức là chi nấm của đông trùng hạ thảo), tuy nhiên không phải loại nào cũng dùng được, thậm chí một số loại còn có độc tính.
Hiện nay hai loại nấm được sử dụng chủ yếu là C. sinensis (mọc tự nhiên ở Tây Tạng) và C.militaris. Các loại nấm này lại có thể ký sinh trên nhiều giá thể khác nhau và cũng có thể tạo ra độc tính. Ví dụ, tại Việt Nam theo ước tính có đến trên 60 loại côn trùng mà nấm này có thể ký sinh.
"Do đó, người dân không nên tự hái nấm về sử dụng, bởi có thể ăn phải loại có độc tính, còn nếu mua phải mua nơi rõ nguồn gốc, có kiểm nghiệm hoạt chất (cordycepin) rõ ràng", tiến sĩ Nguyễn Thành Triết khuyến cáo.
Nấm mọc từ xác ve sầu gây ngộ độc BVCR
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ve sầu đẻ trứng vào trong đất, sau đó phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu). Nhộng ve sầu nằm trong đất, có thể ở bên cạnh các bào tử nấm. Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên vật chủ, chúng sẽ thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài. Các loại nấm này sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ. Chính vì vậy, chúng có tên gọi là "đông trùng hạ thảo".
Tùy theo loại nấm ký sinh trên vật chủ, mà nấm có lợi cho sức khỏe con người hay là nấm độc. Do đó, nó có thể là thức ăn bổ dưỡng theo bài thuốc đông y; hoặc gây độc cho con người, như trong trường hợp bệnh nhân ở trên.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo, người dân khi gặp xác nhộng ve sầu, có thể nhầm lẫn là thức ăn bổ dưỡng đông trùng hạ thảo, thì tuyệt đối không nên ăn. Muốn sử dụng đông trùng hạ thảo, cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng hoặc có chuyên gia hiểu biết về đông trùng hạ thảo tư vấn.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhieu-nguoi-ngo-doc-do-an-nam-moc-tu-xac-ve-sau-bac-si-noi-gi-185230605093211047.htm