Thực hiện ăn chín uống sôi, kiểm soát nhiệt độ khi chế biến thực phẩm, kiểm tra kỹ tình trạng thực phẩm trước khi sử dụng...vlà một số biện pháp giúp giảm đáng kể nguy cơ ngộ độc botulinum.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong tự nhiên, các bào tử của vi khuẩn C.botulinum phổ biến và có khả năng sống sót cao ở trong đất và bụi, được tìm thấy trong đất vườn, nghĩa trang, bùn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, đường tiêu hóa của động vật, gia cầm, cá...
Nha bào của vi khuẩn này có nhiều trong đất và có sức đề kháng cao, chịu được nhiệt độ 100°C, do đó phải đun nóng ở nhiệt độ 120°C trong 10 phút mới giết chết được nha bào.
BS.CKI Hồ Thanh Lịch, Phó khoa Hồi sức tích cực - Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết: Hầu hết các vi khuẩn có thể bị tiêu diệt bằng cách đun sôi thông thường nhưng để tiêu diệt các bào tử của Clostridium botulinum thì việc xử lý nhiệt độ yêu cầu phải cao hơn, ở mức nhiệt tiệt trùng khoảng 121°C.
"Tuy bào tử của vi khuẩn này khá khó tiêu diệt nhưng độc tố tạo ra bởi chúng thì lại nhạy cảm với nhiệt độ. Do vậy, chỉ cần làm nóng thực phẩm đến nhiệt độ nấu ăn thông thường khoảng 80°C trong 30 phút hoặc nhiệt độ sôi 100°C trong 10 phút trước khi ăn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ bị ngộ độc", bác sĩ Lịch cho hay.
Việc đun nóng thực phẩm giúp giảm đáng kế nguy cơ ngộ độc botulinum MINH HỌA: LÊ CẦM
Dưới đây là 6 biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm để tránh ngộ độc botulinum:
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo rửa sạch và chế biến thực phẩm đúng cách để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn Clostridium botulinum.
Hạn chế ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, màu sắc, mùi vị bất thường, thực phẩm đóng hộp không an toàn, hoặc thực phẩm không được chế biến đúng quy trình.
Kiểm soát nhiệt độ: Đảm bảo nhiệt độ phù hợp khi chế biến và bảo quản thực phẩm. Các vi khuẩn Clostridium botulinum có thể phát triển trong môi trường ẩm ướt và không khí thiếu oxy. Đảm bảo nhiệt độ cao (trên 80°C) khi nấu chín thực phẩm để có thể tiêu diệt chất độc botulinum.
Hạn chế bảo quản thực phẩm trong môi trường oxy hạn chế: Chất độc botulinum phát triển trong môi trường thiếu oxy.
Do đó, hạn chế bảo quản thực phẩm trong môi trường thiếu oxy. Không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân: Rửa tay kỹ càng trước khi chuẩn bị thực phẩm và sau khi tiếp xúc với chất thải hoặc bất kỳ nguồn nhiễm khuẩn nào.
Kiểm tra thực phẩm: Nếu có nghi ngờ về thực phẩm, nên kiểm tra trước khi sử dụng. Nếu thấy bất thường về màu sắc, mùi hương hoặc vị, hãy từ chối sử dụng và báo cáo cho cơ quan y tế địa phương. Người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.
Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...), cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín.
Khi người dân xuất hiện các triệu chứng ngộ độc botulinum, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/bac-si-huong-dan-6-bien-phap-phong-ngo-doc-botulinum-185230524103314198.htm