Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, sự nguy hiểm đôi khi không đến từ nhiệt độ, mà là những hành động sai lầm của chúng ta.
Lười ăn, bỏ bữa vì nắng nóng
Thời tiết nắng nóng gay gắt khiến nhiều người cứ thấy đồ ăn là sợ, chỉ muốn uống nước thay cơm. Tuy nhiên việc lười ăn, bỏ bữa lại là nguyên nhân khiến không ít người phải nhập viện vào mùa hè.
Theo BS Đỗ Mai Huyền, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong đợt cao điểm nắng nóng này, ghi nhận không ít trường hợp bị sụt cân, suy kiệt vì bỏ ăn, mất ngủ.
BS Huyền dẫn chứng nhiều trường hợp là các cụ ở nông thôn không quen nằm điều hòa, chỉ nằm quạt. Do đó, khi trời quá nắng nóng, các cụ lại ăn ít, thậm chí là bỏ bữa và mất ngủ khiến người sụt cân phải vào bệnh viện khám.
Theo BS Huyền, vào mùa hè, chúng ta nên điều chỉnh chế độ ăn uống, đặc biệt là với người cao tuổi, nhiều bệnh nền.
"Vào mùa hè cần ưu tiên chế độ ăn lỏng, mềm, nhiều nước, dễ tiêu, nhiều rau xanh và hoa quả. Chúng ta cũng nên chia khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ", BS Huyền cho hay.
Tắm ngay sau khi vừa đi ngoài nắng về
Vào mùa hè nắng nóng, vận động một chút cũng khiến bạn ra nhiều mồ hôi. Hầu hết mọi người đều cảm thấy mồ hôi rất khó chịu nên muốn đi tắm ngay. Tuy nhiên đây là một thói quen có hại cho sức khỏe.
Không nên tắm ngay khi đi ngoài trời nắng về (Ảnh minh họa: Getty).
Cụ thể, theo BS Huyền, kể cả thanh niên hay người già, vừa đi ngoài trời nắng nóng về, cơ thể ra nhiều mồ hôi, thân nhiệt tăng cao nếu tắm luôn rất nguy hiểm.
"Lúc này vì thân nhiệt thay đổi đột ngột, dẫn đến mạch máu co lại có thể gây đột quỵ. Do đó, chúng ta phải ngồi nghỉ để ráo mồ hôi dần, khi thân nhiệt giảm và người đỡ mệt thì mới tắm", BS Huyền khuyến cáo.
Cũng theo chuyên gia này, thời gian qua, tình trạng đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa. Mạch máu não bị xơ hóa nhanh do chế độ ăn quá nhiều chất béo xấu, đường bột là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
Trì hoãn nhập viện vì nắng nóng
Cụ ông N.B.C., 72 tuổi, sống tại Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Lão khoa Trung ương cấp cứu trong tình trạng hôn mê.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Ảnh: PV).
Theo chia sẻ của người nhà, sáng hôm đó, cụ ông có biểu hiện yếu tay chân, nói khó, cầm nắm đồ vật không chắc như những ngày trước. Tuy nhiên, vì buổi sáng gia đình không có người ở nhà và cũng vì trời quá nắng, nên dự định đến chiều trời mát sẽ đưa cụ vào viện khám.
Tuy nhiên, đến chiều cụ ông đã hôn mê phải nhập viện cấp cứu. Theo BS Trần Đình Thắng - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, qua thăm khám bệnh nhân được xác định bị nhồi máu não diện rộng. Vì được đưa đến viện muộn nên thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân đã bỏ lỡ giai đoạn vàng của điều trị nhồi máu não.
Do đó, BS Thắng khuyến cáo, để tránh các biến chứng nặng nề, khi quan sát thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám ngay. Việc chờ đợi tới khi trời hết nắng sẽ gây chậm trễ trong quá trình chẩn đoán cũng như điều trị, gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
"Thời gian vàng để cấp cứu đối với đột quỵ là 6 giờ. Mỗi phút trôi qua, bệnh nhân sẽ có thêm 200 triệu tế bào não bị tổn thương", BS Thắng chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia, những biểu hiệu sớm nhất của đột quỵ là ở tay, chân và mặt. Cụ thể, có thể quan sát thấy cơ miệng méo xệch một bên, giọng nói bị méo tiếng, tay chân có hiện tượng không nhấc lên được, cầm nắm yếu hơn thường ngày, chân đi bị khụy ngã…
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/3-dieu-tuyet-doi-khong-duoc-lam-khi-troi-nang-nong-20220630064341523.htm