Môi khô, nứt nẻ không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây cảm giác đau rát, khó chịu, nhất là khi ăn uống. Không ít người phát hiện môi bị khô, nứt nẻ khi thức dậy vào buổi sáng mà không rõ nguyên nhân.
Không như nhiều vị trí khác trên da, môi không có tuyến dầu riêng. Yếu tố này cộng thêm với môi trường, chẳng hạn ánh nắng mặt trời gay gắt hay không khí khô lạnh, sẽ khiến môi rất dễ bị nứt và bong tróc, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ợ chua, căng thẳng, không khí khô lạnh đều là những nguyên nhân khiến môi bị khô và nứt nẻ vào buổi sáng SHUTTERSTOCK
Liếm môi có thể giúp làm ẩm tạm thời môi. Tuy nhiên, nếu nước bọt thường xuyên chạm vào vùng da quanh môi sẽ dễ gây kích ứng.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến môi khô và nứt nẻ vào buổi sáng. Nguyên nhân đầu tiên cần kể đến là ợ chua. Ợ chua sẽ khiến tăng tiết nước bọt. Lượng nước bọt dư thừa sẽ tiết ra nhiều và dễ tích tụ trên môi. Hệ quả là khiến môi khô khi thức dậy vào buổi sáng.
Ngoài ra, căng thẳng cũng góp phần gây khô môi. Căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất lỏng của cơ thể, gây đầy hơi, mệt mỏi, tiêu chảy và khô môi. Một số nguyên nhân khác là mất nước, dị ứng, rối loạn tuyến giáp, thiếu vitamin C hoặc kẽm.
Để ngăn môi khô, nứt nẻ, trung tâm y tế phi lợi nhuận Cleveland Clinic (Mỹ) khuyến cáo mọi người cần uống đủ nước. Nếu không khí khô thì có thể dùng máy tạo độ ẩm trong nhà.
Thoa son dưỡng môi cũng là cách hiệu quả để trị môi khô. Son dưỡng môi phải là loại thuốc mỡ hoặc dầu không gây dị ứng, không có mùi thơm. Loại này sẽ giúp vừa dưỡng ẩm, vừa bảo vệ môi khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Dùng ban đêm cũng sẽ giúp tránh bị khô môi vào buổi sáng. Người dễ bị khô môi tốt nhất là tránh dùng tinh dầu bạc hà, dầu khuynh diệp, long não hay nước hoa vì chúng có thể khiến môi bị kích ứng và khô.
Nếu đã làm mọi cách mà sau vài tuần, các triệu chứng không cải thiện thì hãy đến tham khảo ý kiến bác sĩ. Người khô môi cũng cần đi khám bác sĩ nếu đi kèm với các mảng đỏ hoặc vết nứt trên khóe miệng. Đó có thể là hiệu của viêm môi vùng mép, tình trạng mà nấm men trong nước bọt tích tụ ở khóe miệng.
Niềng răng, tiểu đường, thiếu vitamin, liếm môi thường xuyên hoặc hút thuốc lá là những yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm môi góc cạnh. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng nấm hoặc kháng sinh tùy thuộc vào tác nhân gây viêm, theo Healthline.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/moi-kho-nut-ne-vao-buoi-sang-ma-khong-ro-nguyen-nhan-lam-sao-de-khac-phuc-185230506235631935.htm