Trời nắng nóng gay gắt, độ ẩm không khí cao khiến vi khuẩn dễ sinh sôi, gây ra các nhóm bệnh chính cho trẻ gồm viêm đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh lý về da.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh cho biết, những ngày gần đây TP.HCM đang vào mùa nắng nóng, độ ẩm trong không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển. Trong một tháng gần đây, số trẻ đến khám tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn mỗi ngày tăng trung bình 30-60%.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lĩnh thăm khám cho một bệnh nhi về bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn Lê Cầm
"Ở trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ mắc một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi hoặc sốt siêu vi khi thời tiết thay đổi. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng khiến cho thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm phát tán mầm bệnh tiêu chảy làm cho các vấn đề tiêu hóa ở trẻ, đặc biệt là tiêu chảy cấp như viêm dạ dày ruột cấp trở nên nghiêm trọng hơn", bác sĩ Lĩnh chia sẻ.
Theo bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), chăm sóc trẻ mùa nắng nóng là vấn đề quan trọng do sức khỏe của trẻ luôn chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết. Tỷ lệ lượng nước trong cơ thể cũng như hệ miễn dịch của trẻ khác với người lớn nên thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt, trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải, là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút tấn công.
Theo đó, ba nhóm bệnh thường gặp ở trẻ trong thời gian này, gồm: các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thức ăn; bệnh hô hấp do các loại siêu vi; phổ biến không kém là các bệnh viêm da, nhọt da. Bởi thời điểm này, nhiệt độ và độ ẩm tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh tăng sinh, phát triển.
Trẻ đi bơi trong ngày nắng nóng tại một hồ bơi công cộng ở TP.HCM LÊ CẦM
Theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, nhiệt độ nóng làm cơ thể phải điều nhiệt bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi, khi mồ hôi tiết ra quá nhiều, thêm vào việc các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, do nhiễm khuẩn làm cho mồ hôi bị ứ đọng trong ống tuyến bài tiết mồ hôi gây rôm sảy. Các vùng da như trán, đầu cổ, ngực, lưng, nếp bẹn, vùng tì đè thường là những vùng dễ bị nổi rôm sảy.
Nắng nóng chăm sóc trẻ như thế nào cho đúng cách
Bác sĩ Phú khuyến cáo, phụ huynh cần bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây. Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga.
Chế biến và bảo quản thức ăn đảm bản an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay bé. Phụ huynh nên lưu ý tiêm vắc xin đầy đủ cho con trẻ, đây chính là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Song song đó, mỗi gia đình nên giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh lý truyền nhiễm.
Bổ sung vitamin C từ các loại nước ép trái cây giúp tăng đề kháng, phòng bệnh LÊ CẦM
Ngoài ra, thời tiết oi bức nên cho trẻ mặc đồ thoáng mát. Trẻ có thể bị say nắng nếu tham gia các hoạt động ngoài trời quá lâu, khiến cơ thể bị mất nước và muối khoáng qua sự bài tiết mồ hôi trên da, qua hơi thở. Ngay khi phát hiện trẻ bệnh, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
"Để phòng ngừa rôm sảy, nên lựa chọn quần áo, tã lót loại vải sợi mỏng, rộng thoáng, thấm hút mồ hôi tốt. Cho trẻ uống đủ nước, tăng cường sức khỏe làn da và đề kháng bằng cách bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C có trong các loại trái cây (cam, quýt, bưởi, sơ-ri,…), hạn chế thức ăn nhiều đường", bác sĩ Ánh Ngân chia sẻ thêm.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nang-nong-gay-gat-phu-huynh-can-chu-y-3-loai-benh-o-tre-185230426094610622.htm