Ước tính Việt Nam có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim. Tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm từ khi chẩn đoán có thể lên đến 67%, cao hơn cả các bệnh ung thư.
Suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Số bệnh nhân có xu hướng gia tăng.
Theo các nghiên cứu quốc tế, bệnh nhân suy tim thường bị giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, số ca tử vong do suy tim tăng 6 lần trong 40 năm qua. Nguy cơ tử vong có thể là 5-10%/năm với thể nhẹ, 30-40%/năm với thể nặng.
Đặc biệt, tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm từ khi được chẩn đoán có thể lên đến 67%, cao hơn cả các bệnh ung thư. Nguy cơ tử vong còn gia tăng thêm sau mỗi đợt tái nhập viện.
Tham gia chương trình quản lý bệnh nhân suy tim, người bệnh được tái khám định kỳ, tư vấn chế độ ăn, vận động... (Ảnh bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân bị suy tim: N.Phương).
Chia sẻ tại lễ nhận chứng nhận Silver Plus của Hội Tim mạch Mỹ (AHA) diễn ra sáng 6/4, TS Vũ Quỳnh Nga, Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu dịch tễ về bệnh suy tim. Nếu dựa trên tỷ lệ suy tim trên thế giới khoảng 2% dân số thì nước ta có khoảng 1,6 triệu bệnh nhân.
Mô hình bệnh lý suy tim ở Việt Nam có sự thay đổi trong những năm qua. Trước kia nguyên nhân suy tim chủ yếu là các bệnh van tim hậu thấp như hẹp van hai lá, thì ngày nay nguyên nhân chính là do bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, bệnh cơ tim giãn.
Theo Liên đoàn Tim mạch Thế giới, tỷ lệ bệnh suy tim cao hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình, do các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, hút thuốc lá và ô nhiễm môi trường.
Để có thể giảm tử vong, giúp bệnh nhân sống lâu hơn, giảm nguy cơ nhập viện, cải thiện chất lượng cuộc sống thì vai trò quyết định là điều trị và quản lý bệnh nhân.
"Việc cho bệnh nhân ra viện không phải là đã xong mà là chúng ta đóng cánh cửa này và mở ra một cách cửa mới giúp bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện tỷ lệ sống còn của họ. Để làm được điều này, bệnh nhân cần tái khám định kỳ, tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống nhằm duy trì tình trạng ổn định, phát hiện sớm các dấu hiệu suy tim tăng nặng", TS Nga nhấn mạnh.
Vì thế, từ cuối năm 2021, Bệnh viện Tim Hà Nội triển khai chương trình quản lý bệnh nhân suy tim. Bệnh nhân được tư vấn chế độ ăn uống, tập luyện, thuốc điều trị suy tim và bệnh lý mắc kèm, tiêm chủng. Các nhân viên y tế cũng thường xuyên được cập nhật các kiến thức mới, thuốc mới.
Chương trình quản lý suy tim của Bệnh viện Tim Hà Nội được nhận giải thưởng Silver Plus của Hội Tim mạch Mỹ (Ảnh:N.Phương).
Chương trình quản lý bệnh nhân suy tim của Bệnh viện Tim Hà Nội vừa được nhận giải thưởng Silver Plus của Hội Tim mạch Mỹ (AHA). Bệnh viện Tim Hà Nội cũng là bệnh viện duy nhất tại khu vực Đông Nam Á đạt giải này dành cho trung tâm đạt quy trình quản lý bệnh nhân suy tim hiệu quả theo quy trình của Hội Tim mạch Mỹ cả ở nội trú và ngoại trú. Năm ngoái bệnh viện cũng được nhận giải thưởng Bronze.
Các chứng nhận này được phân cấp đồng (Bronze) - bạc (Silver) - vàng (Gold). Ngoài ra, còn có Silver plus và Gold plus.
Bác sĩ Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đánh giá, việc đạt chứng nhận này cho thấy sự nỗ lực của các y bác sĩ từng bước tiếp cận với các tiêu chuẩn thế giới. Từ đây, bệnh nhân được điều trị, theo dõi, theo đúng tiêu chuẩn điều trị quốc tế.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/can-benh-co-ty-le-tu-vong-cao-hon-ca-ung-thu-20230406140732910.htm