Biết cách quản lý bệnh đái tháo đường, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung hòa bình với nó trong một thời gian dài. Đặc biệt ngày nay với sự tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, người bệnh đái tháo đường type 2 có thể khỏi bệnh nếu phát hiện sớm.
Thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: BVCC
Các phương pháp điều trị mới ngày càng tăng khả năng đưa nồng độ glucose về mức bình thường ngay cả sau khi ngừng điều trị bằng thuốc.
Sự thật chứ không phải mơ
Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin một bệnh nhân tại Hà Nội đã điều trị "khỏi" đái tháo đường type 2 và được bác sĩ cho ngưng thuốc.
Đó là bệnh nhân nữ sinh năm 1986. Bệnh nhân vào viện cấp cứu tháng 5-2022 với chẩn đoán đái tháo đường type 2, gan nhiễm mỡ, HbA1C là 10,0%, cân nặng 68,5kg, cao 1m60 và BMI = 26,8 (béo phì).
Bệnh nhân ra viện được điều trị bằng 3 loại thuốc uống. Sau 2 tháng cân nặng còn 64kg, và sau 6 tháng cân nặng giảm còn 57kg, kéo theo HbA1C giảm rất nhanh xuống < 6,0%, nên bệnh nhân chỉ cần uống 2 thuốc, rồi 1 thuốc liều rất thấp 500mg/ngày. Cân nặng giảm thấp nhất là còn 57kg.
Ngày 3-4-2023, bệnh nhân quay lại khám sau 11 tháng, glucose máu là 5,6 mmol/L và HbA1C là 5,62%, cân nặng 58kg, tức là giảm 15,3% cân nặng ban đầu, BMI hiện tại là 22,6 (trong giới hạn bình thường).
Các chỉ số của bệnh nhân trở về như người khỏe mạnh và được bác sĩ cho ngừng thuốc.
Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần duy trì chế độ ăn, tập thể dục đều và được lệnh không cho phép tăng cân trở lại.
"Tình trạng khỏi bệnh ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 là sự thực chứ không phải là mơ. Từ năm 2021, Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ đã đưa ra khái niệm lui bệnh đái tháo đường (Remission), thực chất là khỏi bệnh nếu người đó ngừng thuốc hạ đường huyết > 6 tháng mà vẫn giữ được HbA1C < 6,5%" - ông Bảy nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Bảy, khả năng lui bệnh cao nhất ở những bệnh nhân đái tháo đường type 2 kèm béo phì mới được chẩn đoán < 3 năm và trong quá trình điều trị giảm được trên 15% cân nặng. Đây là điều rất mới so với trước đây, khi đái tháo đường được coi là bệnh phải dùng thuốc suốt đời.
Thuyên giảm hay khỏi bệnh?
Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Bảy cho biết một đồng thuận được 4 hiệp hội lớn gồm Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), Hiệp hội Nội tiết (Endocrine Society), Hội Đái tháo đường châu Âu (EASD) và Hội Đái tháo đường Vương quốc Anh (Diabetes UK) cùng đưa ra, nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa thuật ngữ, định nghĩa và cách đánh giá hiện tượng "thuyên giảm" của bệnh đái tháo đường.
Đồng thuận này được công bố đồng thời trên các tạp chí lớn như Diabetes Care (ngày 30-8-2021), Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, Diabetologia, và Diabetic Medicine.
Theo đó, hội đồng gồm 12 thành viên đề xuất sử dụng thuật ngữ "thuyên giảm", mà không dùng những từ khác như "đảo ngược", "giải quyết" hoặc "chữa khỏi", để mô tả tình trạng đường huyết bình thường kéo dài mà không cần sử dụng thuốc hạ đường huyết ở một người trước đây đã được chẩn đoán đái tháo đường type 2.
"Thuyên giảm" có nghĩa là đạt được HbA1c <6,5% (<48 mmol/mol) ít nhất 3 tháng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc hạ đường huyết, đạt được thông qua lối sống, phẫu thuật giảm béo hoặc các phương pháp khác.
GS Riddle, thuộc khoa nội tiết - đái tháo đường - dinh dưỡng tại Đại học Y Oregon, Hoa Kỳ, cho biết: "Các phương pháp điều trị mới ngày càng tăng khả năng đưa nồng độ glucose về mức bình thường, và trong nhiều trường hợp ngay cả sau khi ngừng điều trị bằng thuốc. Đó không phải là điều bất thường hay hư cấu, đó là thực tế. Các bác sĩ lâm sàng cần biết để trao đổi với bệnh nhân về điều đó".
Tuy nhiên ông cũng yêu cầu cần có dữ liệu về tác động của các phương pháp giúp đưa đường huyết về mức bình thường. "Thực sự chúng ta cần đi một chặng đường dài nữa để có các bằng chứng mạnh mẽ về dịch tễ học và can thiệp" - GS Riddle nói.
Quản lý bệnh đái tháo đường tiêu chuẩn mới
Bác sĩ Bảy nhấn mạnh, biết cách quản lý bệnh đái tháo đường, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung hòa bình với nó trong một thời gian dài.
"Khi gặp một con hổ trong rừng thì chắc chắn chúng ta sẽ bỏ chạy, nhưng nếu gặp một con hổ con lạc vào nhà bạn thì không. Bệnh đái tháo đường cũng giống như một con hổ vậy. Đừng sợ, hãy tìm cách thuần hóa ngay từ khi nó còn là một con hổ con" - ông Bảy nói.
Hãy "nuôi dạy" nó thật cẩn thận bằng:
(1) cho ăn đúng cách và (2) chăm sóc nó hằng ngày, bạn sẽ chung sống hòa bình với nó trong một thời gian dài.
Còn nếu bạn để nó sống kiểu tự do, nó sẽ giết chết bạn, có thể rất nhanh.
May mắn là mọi việc ngày nay đã khác, và chúng ta hoàn toàn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cùng với một "con hổ" bên cạnh mình nhờ công nghệ, sự hỗ trợ của gia đình và nhận thức của xã hội.
Các bệnh nhân hãy thuần hóa được "con hổ đái tháo đường", thông qua việc giữ các chỉ số: A - HbA1C < 7,0% B - Huyết áp < 140/90 mmHg C - LDL cholesterol < 2,6 mmol/L D - Cân nặng bình thường. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/het-dai-thao-duong-type-2-la-chuyen-that-o-viet-nam-20230406072536439.htm