Theo một số nghiên cứu mới, người bị tiểu đường loại 2 nên ăn khổ qua để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
Chuyên gia dinh dưỡng Vandana Sheth (đang làm việc tại Los Angeles, Mỹ) cho biết gần đây, một số nghiên cứu mới cho thấy khổ qua (hay mướp đắng) có thể giúp kiểm soát tương đối hiệu quả lượng đường trong máu.
Đây là loại quả được trồng và sử dụng rộng rãi ở châu Á và Trung Đông. Chuyên gia Sheth cho hay trong 1 chén khổ qua nấu chín, sẽ chứa khoảng 53 calo, 5,5 g carbohydrate, 2,5 g chất xơ, 1 g chất đạm và 3,5 g chất béo...
Khổ qua (hay mướp đắng) có thể giúp kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu
Giải thích về đặc tính kiểm soát đường huyết, bà Sheth cho hay trong khổ qua có chứa polypeptide-P. Đây là một protein hạ đường huyết hoạt động tương tự như insulin, khi đi vào cơ thể sẽ giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Cùng ý kiến này, chuyên gia dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường Erin Palinski-Wade (đang làm việc tại New Jersey, Mỹ) cho biết: "Khổ qua có chứa thành phần mang đặc tính giống như insulin tự nhiên, giúp kích thích sự hấp thụ glucose vào các tế bào cơ xương, đồng thời thúc đẩy quá trình tiết insulin của cơ thể".
Chuyên gia Palinski-Wade cũng nói thêm chất xơ dồi dào của khổ qua còn góp phần làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào máu, từ đó giúp giữ lượng đường trong máu ổn định.
Bên cạnh đó, nguồn vitamin C trong khổ qua (1 cốc cung cấp khoảng một nửa lượng khuyến nghị hằng ngày) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen, giúp người bị tiểu đường lành vết thương nhanh hơn.
Ngoài ra, chuyên gia Palinski-Wade còn cho hay đã có chứng khoa học cho thấy vitamin C cũng có ích trong việc kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp đối với bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/vi-sao-nguoi-benh-tieu-duong-nen-thuong-an-kho-qua-185230328214951537.htm