Bác sĩ cảnh báo thời điểm sau Tết thường xuất hiện các ca nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim trẻ lớn. Như bé gái 11 tuổi ở Bình Dương bị viêm cơ tim, sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng, phải dùng ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bệnh nhi bị viêm cơ tim, sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng - đã vượt qua cơn nguy kịch sau khi được bác sĩ điều trị tích cực bệnh - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 28-2, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhi L.B.T.A. (11 tuổi, nữ, ngụ tỉnh Bình Dương) bị viêm cơ tim, sốc tim, rối loạn nhịp tim nặng.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bé A. đã bệnh ba ngày. Vào ngày thứ nhất và hai, bé sốt nhẹ, than mệt, đau bụng, ói, tiêu lỏng một lần. Đến sáng ngày thứ 3, bé bị ngất trong lúc tập thể dục ở trường.
Bé được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp, xét nghiệm tropin I (đánh giá các dạng khác của tổn thương tim - PV) tăng cao, được hỗ trợ hô hấp, truyền adrenalin và chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Tại đây bệnh nhi lơ mơ, môi tái, chi mát, huyết kẹp tụt 70/50 mmHg, tĩnh mạch cổ nổi, mạch quay nhẹ khó bắt, nhịp tim không đều, nhịp thất 180-200 lần/phút...
Qua các xét nghiệm cần thiết, bé được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở cho bệnh nhi, đồng thời dùng thuốc vận mạch, thuốc chống loạn nhịp...
Bé được tiến hành đặt cannula động mạch đùi và tĩnh mạch đùi, kết nối máy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Bé A. tiếp tục điều trị thuốc chống loạn nhịp, truyền máu, tiểu cầu, điều chỉnh điện giải, toan kiềm, chống đông, kháng sinh điều trị bội nhiễm phổi.
Kết quả sau 8 ngày chạy ECMO, các bác sĩ đã xử trí các chuyển biến bất thường của nhịp tim, cơ tim và huyết động của bệnh nhi, cũng như điều trị hỗ trợ các cơ quan khác. Cuối cùng tim bé phục hồi dần, được cai ECMO, rút cannula mạch máu, và tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa hồi sức tích cực.
Qua trường hợp bé A., bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh vào thời điểm sau Tết (tháng 1, 2 và 3) thường xuất hiện các ca nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim trẻ lớn, người lớn với các biểu hiện như sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực....
Khi có những biểu hiện này cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám, định bệnh chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp.
Viêm cơ tim cấp tính có thể tử vong trong 24 giờ Trước đó, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 cũng tiếp nhận bốn trẻ viêm cơ tim nguy kịch. Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Ngọc Phượng - phó trưởng khoa tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho biết viêm cơ tim là bệnh lý với đặc trưng diễn tiến nhanh, dễ gây nguy hiểm tính mạng. Nguyên nhân của bệnh thường do siêu vi và thường chia thành ba dạng: tối cấp, cấp tính và mạn tính. Với viêm cơ tim tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 24 giờ. Trong trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy tim cấp, sốc hoặc rối loạn nhịp tim, nếu không can thiệp kịp thời thì bệnh nhân có thể không qua khỏi. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/canh-bao-nhieu-tre-mac-viem-co-tim-nguy-hiem-20230228055525321.htm