Mới đây, Viện Pasteur TP.HCM dẫn thông tin Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tại tỉnh Prey Veng (Campuchia) ghi nhận một trường hợp nhiễm vi rút cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao, tử vong vào ngày 24-2.
Đồ họa: T.ĐẠT
TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành trên toàn quốc đã ra văn bản khẩn, yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng chống cúm gia cầm này.
Triển khai nhanh các biện pháp phòng chống cúm gia cầm
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong những năm 2003-2009 và 2010-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 ca mắc cúm A (H5N1) và 64 ca tử vong. Kể từ đó đến nay, nước ta chưa ghi nhận thêm ca nào.
Riêng tại TP.HCM, để chủ động ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A (H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, trước nguy cơ xâm nhập thông qua các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép tại nhiều địa phương, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh.
TP.HCM sẽ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân với các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý người có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch.
Những người có bệnh hoặc chùm ca bệnh cúm, viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân; các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm cũng được lấy mẫu xét nghiệm.
Chú ý sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, đau khớp, khó thở
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho hay con người có thể bị nhiễm cúm gia cầm khi hít hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của động vật bị nhiễm bệnh như nước bọt, chất nhầy, phân... Dù tỉ lệ nhiễm từ người sang người rất hạn chế, tuy nhiên vi rút cúm có thể đột biến gene rất nhanh, có thể lây từ người sang người, từ đó gây ra đại dịch cúm.
Về triệu chứng người nhiễm cúm gia cầm, bác sĩ Phong cho biết chúng cũng gần giống như các triệu chứng của nhiễm siêu vi khác như: sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, đau khớp, đặc biệt là triệu chứng khó thở xuất hiện sớm và nhanh. Người nhiễm cúm gia cầm, đặc biệt là chủng cúm A (H5N1) rất nguy hiểm, diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, dù điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, với 30-50%.
Nhận định về nguy cơ bệnh cúm A (H5N1) xâm nhập vào các tỉnh phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng nếu chỉ có một ca nhiễm cúm A (H5N1) tử vong ở Campuchia và xét nghiệm không phát hiện thêm người nhiễm mới, cũng như việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm gia cầm tại nước ta đúng quy định thì nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta không quá cao.
Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc hay chết không rõ nguyên nhân.
Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm (nêu trên) và có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, cần cách ly tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khi-nao-xet-nghiem-xac-dinh-cum-gia-cam-h5n1-20230228074546998.htm