Chỉ một ly rượu vang mỗi tuần trong lúc mang thai có liên quan đến những thay đổi vĩnh viễn trên khuôn mặt của trẻ, thậm chí là khả năng nhận thức của chúng.
Những thay đổi trên khuôn mặt ở trẻ 9 tuổi do tiếp xúc với rượu mà người mẹ uống lúc mang thai - Ảnh: HUMAN REPRODUCTION
Các nhà nghiên cứu Hà Lan đã nghiên cứu 200 đặc điểm trên khuôn mặt của hơn 5.600 trẻ em trong độ tuổi đi học bằng hình ảnh 3D và thuật toán học sâu. Họ tìm thấy sự khác biệt giữa các đặc điểm trên khuôn mặt của những đứa trẻ có mẹ uống rượu khi mang thai và những đứa trẻ mẹ không uống rượu.
Theo đó, chỉ uống 12 gam rượu mỗi tuần - hoặc một ly tiêu chuẩn - có liên quan đến những thay đổi vĩnh viễn trên khuôn mặt của đứa trẻ.
Cụ thể, ở những đứa trẻ có mẹ uống rượu khi mang thai, cằm sẽ nhô ra nhiều hơn khi so sánh với những trẻ có mẹ không uống rượu. Mũi chúng cũng ngắn hơn, hơi hếch lên và vùng dưới mắt bị thụt vào một chút.
Các bà mẹ càng uống nhiều rượu trong thời kỳ mang thai, những thay đổi trên khuôn mặt trẻ càng xuất hiện nhiều hơn.
Hiệu ứng này dường như yếu đi theo tuổi tác, với những thay đổi trên khuôn mặt ở nhóm 13 tuổi ít nổi bật hơn so với nhóm 9 tuổi.
Ngay cả việc các bà mẹ uống rượu trong 3 tháng trước khi mang thai cũng ảnh hưởng đến trẻ.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chị em phụ nữ nên bỏ uống rượu vài tháng trước khi thụ thai, và bỏ rượu hoàn toàn trong suốt thai kỳ để tránh những hậu quả bất lợi cho sức khỏe con cái”, các nhà nghiên cứu viết.
Khi mức độ tiếp xúc với rượu của trẻ em trước khi chào đời tăng từ trái sang phải, những thay đổi trên khuôn mặt trở nên rõ ràng hơn - Ảnh: HUMAN REPRODUCTION
"Tôi gọi khuôn mặt là 'tấm gương sức khỏe' vì nó phản ánh sức khỏe tổng thể của một đứa trẻ", ông Gennady Roshchupkin, nhà dịch tễ học tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Hà Lan, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
"Một đứa trẻ tiếp xúc với rượu trước khi sinh có thể bị những tác động xấu đáng kể đến sự phát triển sức khỏe. Nếu người mẹ thường xuyên uống một lượng lớn rượu, có thể dẫn đến chứng rối loạn phổ rượu ở thai nhi, điều này được phản ánh trên khuôn mặt trẻ".
Trẻ mắc hội chứng này thường có môi trên rất mỏng, da mịn giữa mũi và môi trên (nhân trung), mắt nhỏ hơn và mũi hếch. Chúng thường gặp khó khăn trong việc tập trung, ghi nhớ, học tập và giao tiếp xã hội.
Một nghiên cứu trước đây cho thấy nếu mẹ uống 70 gam rượu mỗi tuần trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sọ mặt của trẻ sơ sinh.
Nghiên cứu của nhóm Gennady Roshchupkin là nghiên cứu đầu tiên xem xét ảnh hưởng của việc uống ít rượu, 12 gam mỗi tuần, tới em bé.
Trên thực tế, các chuyên gia tư vấn sức khỏe khuyến cáo không có lượng rượu nào được coi là hoàn toàn không có hậu quả đối với sự phát triển của thai nhi.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Human Reproductive.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/uong-mot-it-ruou-khi-mang-thai-cung-lam-thay-doi-khuon-mat-em-be-20230220103625955.htm