Táo đỏ khô đang là loại thảo dược bổ dưỡng không chỉ được sử dụng cho người già mà cả người trẻ để bồi bổ sức khỏe, tốt dáng đẹp da và chữa nhiều bệnh, nhưng nhiều người không biết ăn nhiều sẽ hại nhiều hơn lợi.
Táo tàu tươi gần đây được bán nhiều như một loại trái cây ăn vặt hằng ngày - Ảnh: CTV
Dùng thuốc làm thức ăn hại nhiều hơn lợi
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cảnh báo hiện nhiều người đang sử dụng các vị thuốc bổ trong đông y thành thực phẩm bổ dưỡng nhưng điều đó rất có hại cho cơ thể. Chẳng hạn, phong trào ăn táo đen, táo đỏ sấy để bồi bổ và chữa bệnh là lợi bất cập hại.
Bác sĩ Hướng phân tích, đại táo - còn được gọi là táo tàu, táo đen, hồng táo - là một vị thuốc rất thông dụng trong y học cổ truyền, được mệnh danh là "đệ nhất" trong các sản phẩm đại tư bổ.
Theo dược học cổ truyền, đại táo vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần, thường được dùng để chữa nhiều mặt bệnh.
Vì thế, trong hầu hết các thang thuốc đông y thường có vài ba quả táo. Táo bổ nhưng không được dùng nhiều, bởi táo thuốc loại chua, ướp ngọt, sấy khô ngoài chất bảo quản thì ăn nhiều sẽ hại đến tỳ vị, đặc biệt là dạ dày và đường ruột.
Hơn nữa, táo là vị thuốc "dược bổ", không phải là chất nuôi dưỡng cơ thể nên bồi bổ cũng phải được thực hiện theo y học cổ truyền, nhận rõ sự khác biệt giữa hư, thực, hàn, nhiệt và âm dương khí huyết của từng cá thể để rồi trên cơ sở đó lựa chọn vị thuốc, bài thuốc có tính ôn (ấm), nhiệt (nóng), hàn (lạnh), lương (mát) và có tác dụng bổ khí, bổ huyết, bổ âm, bổ dương cho phù hợp theo biện chứng luận trị.
Việc nghe theo quảng cáo, dùng không đúng, hoặc dùng quá nhiều sẽ gây hại cho cơ thể.
Tương tự, lương y Hoàng Duy Tân, nguyên phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết ở Việt Nam chưa thấy báo cáo về tác hại của việc lạm dụng đại táo.
Nhưng tại Trung Quốc, báo cáo của Y viện Bắc Kinh cho thấy: Những năm vừa qua tổng cộng có bảy ca sỏi táo dạ dày đã được điều trị nội trú bằng bài thuốc "Gia vị tiểu thừa khí thang". Trước khi điều trị, các bệnh nhân đều có bệnh sử ăn quá nhiều táo và bị sỏi táo trong dạ dày.
Biện chứng đông y cho là ăn quá nhiều táo ngưng tụ thành ra tích (khối u). Phép trị là tiêu đạo công tích, gồm các vị: Chế xuyên phác 9g, Sinh sơn tra 15g, Thần khúc 15g, Sinh mạch nha 15g, Chỉ thực 9g, Sinh địa hoàng 9g, Binh lang 15g.
Mỗi ngày sắc một thang, chia hai lần uống. Sau năm ngày bắt đầu đi ngoài ra táo, sau đó một tuần tổng cộng đã thải hơn một chục cục to bằng hạt đào, uống thuốc hai tuần thì ra sạch. Kiểm tra dạ dày thấy hết cục, loét cũng khỏi.
Báo Trung Quốc cũng nêu trường hợp một cô gái 18 tuổi, mua 1kg đại táo rồi vừa chơi game vừa ăn một lúc hết 1kg đại táo. Sau đó cô gái đau bụng dữ dội, phải nhập viện và soi thấy trong ruột có khối u gây tắc ruột. Mổ ra, các bác sĩ thấy khối u được hình thành do nhục của đại táo kết dính lại.
Trước đó, một người đàn ông 57 tuổi do bụng trên đau chướng đầy một tháng mà vào viện. Một tháng trước bệnh nhân ăn táo tươi ước 40-50 quả và hai quả thị, ăn xong thì thấy bụng đau kéo dài, đầy chướng khó chịu, nửa tháng nay bệnh càng nặng.
Nội soi dạ dày có ba cục to bằng hạt đào cho đến bằng nắm tay, mật độ không đều, có thể di động, có hình ảnh vết loét ở bờ cong nhỏ. Chẩn đoán là sỏi táo dạ dày và loét ở bờ cong nhỏ.
Chớ nên ăn nhiều và nhiều bệnh không được ăn
Lương y Hoàng Duy Tân phân tích, theo đông y, đại táo vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ, vị. Có tác dụng kiện tỳ, ích khí, dưỡng vị sinh tân dịch, điều hòa dinh vệ, hòa giải các vị thuốc khác.
Công dụng: Chữa lo âu, mất ngủ, tỳ vị hư nhược. Cách dùng, liều lượng: Ngày 10 - 30g (3 - 10 quả), thường phối hợp trong các bài thuốc bổ, sắc hoặc ngâm rượu uống
Hầu hết trong các toa thuốc bổ của đông y thường được thêm ba quả táo với mục đích dùng vị ngọt kích thích tiêu hóa cho dễ tiêu và hấp thu thuốc tốt hơn.
Tuy nhiên, các thầy thuốc cho rằng không nên ăn đại táo sống, cũng không nên ăn nhiều. Vì thịt đại táo dai dẻo. Những thang thuốc bổ có đại táo, dù nấu rất nhiều giờ nhưng khi dùng nước thuốc xong, đổ bã thuốc ra, lựa quả đại táo lên và thử ăn, thấy nó vẫn còn chắc thịt.
Vì vậy nếu ăn sống, nhất là ăn lượng nhiều, thịt của táo có khả năng kết dính lại dẫn đến tạo thành sỏi hoặc khối u trong dạ dày do sỏi kết dính. Khối u này có thể dẫn đến tắc ruột nếu khối u quá lớn (ăn quá nhiều táo sống).
Các sách thuốc cũng đưa ra một số khuyến cáo: Trái xanh ăn không tốt, không nên ăn nhiều. Ăn nhiều trái táo chưa chín sẽ bị nhiệt khát, khí trướng. Ăn táo với hành làm ngũ tạng bất hòa, ăn với cá làm đau bụng, đau thắt lưng. Trẻ nhỏ bị cam tích, bụng đầy trướng, đờm nhiệt, răng đau: cấm dùng.
Đặc biệt, với những người như: vùng dưới ngực có bỉ khối, đầy trướng, nôn mửa; dạ dày đau do khí bế, trẻ nhỏ bị nhiệt cam, bụng to, đau bụng do giun; đang uống nguyên sâm, bạch vi; trẻ nhỏ, phụ nữ sau khi sinh, sau khi bị bệnh ôn nhiệt, thử thấp, hoàng đản, cam tích, đờm trệ... thì không nên dùng. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/can-than-mac-soi-tao-da-day-ruot-vi-an-tao-do-bo-duong-20230216074819583.htm