Hai nghiên cứu mới từ Mỹ cho thấy bổ sung dâu tây hàng ngày có thể đem lại sự cải thiện đáng kể rủi ro về tim mạch và chuyển hóa, ví dụ người đang mắc hoặc có nguy cơ cao với cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường type 2...
Theo Sci-News, hai nhóm nghiên cứu riêng biệt dẫn đầu bởi Đại học Nevada và Viện Công nghệ Illinois (Mỹ) cho thấy việc ăn dâu tây có thể giúp mọi người cải thiện hiệu quả tình trạng kháng insulin, các hạt lipid, sức khỏe mạch máu...
Đây là những yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các bệnh chuyển hóa - bao gồm tiểu đường type 2, rối loạn mỡ máu... - và tim mạch bao gồm bệnh cao huyết áp.
Ăn dâu hoặc uống một món nước từ dâu giúp cải thiện đáng kể các rủi ro tim mạch, chuyển hóa (Ảnh minh họa từ Internet)
Trong nghiên cứu dẫn đầu bởi Giáo sư Britt Burton-Freeman của Viện Công nghệ Illinois, 34 người trưởng thành bị tăng cholesterol máu - một dạng của tình trạng được dân gian gọi là "rối loạn mỡ máu" - ở mức vừa phải đã được uống nước pha với bột dâu tây hoặc giả dược trong 4 tuần, sau đó là 4 tuần không uống.
Kết quả cho thấy chỉ 1 giờ sau khi "nạp" dâu tây, sự giãn nở mạch máu thể hiện qua dòng chảy trung bình được cải thiện, điều có thể giúp điều hòa huyết áp. Ngoài ra tác động đến các chất chuyển hóa phenolic có nguồn gốc từ vi sinh vật cũng được ghi nhận, giúp cải thiện chức năng nội mô.
Nghiên cứu thứ hai dẫn đầu bởi tiến sĩ Arpita Basu từ Đại học Nevada trên 33 người trưởng thành béo phì thì cho thấy uống khoảng 32 g bột dâu tây mỗi ngày - khoảng 2 ly rưỡi - giúp cải thiện đáng kể tình trạng kháng insulin và kích thước hạt lipoprotein mật độ cao, những điều tác động rất tốt đến bệnh nhân hay người có nguy cơ với các bệnh chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu.
"Chúng tôi tin rằng bằng chứng này hỗ trợ vai trò của dâu tây trong cách tiếp cận "thực phẩm như thuốc" để ngăn ngừa tiểu đường type 2 và các bệnh tim mạch ở người trưởng thành" - tiến sĩ Basu nói.
Các tác dụng kỳ diệu này được cho là từ các thành phần có lợi mà loại trái cây này chứa dồi dào, bao gồm chất xơ và chất chống oxy hóa polyphenol.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/1-gio-sau-khi-an-dau-thay-doi-bat-ngo-o-nguoi-bi-mo-mau-cao-huyet-ap-20230214084808316.htm