Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa BMJ Open của Vương quốc Anh, tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa vĩnh viễn.
Bệnh nhân thăm khám mắt tại bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo nghiên cứu này, những người ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp cao hơn 8%, mất ngủ là 12% và những người thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 20%. Đối với những người ngủ ngáy quá mức, con số này là 4%.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, khoa chấn thương, Bệnh viện Mắt trung ương, cũng đã có một nghiên cứu thị lực thực hiện ở hơn 6.700 người tại Mỹ trên 40 tuổi.
Nghiên cứu tiến hành từ năm 2005 đến 2008 do Viện Dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ tiến hành.
Bệnh nhân tham gia là những người bị bệnh tăng nhãn áp có tổn hại thần kinh thị giác và thị trường, thị lực giảm ít nhiều. Qua nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa bệnh tăng nhãn áp và giấc ngủ.
Cụ thể, những người ngủ quá 10 tiếng một đêm có nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp có tổn thương thị thần kinh gấp 3 lần người chỉ ngủ 7 tiếng mỗi đêm.
Những người chỉ cần 9 phút hay ít hơn hay những người phải mất hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ có nguy cơ bị bệnh tăng nhãn áp gấp đôi so với người chỉ cần từ 10 đến 29 phút để ngủ thiếp đi.
Chỉ số ODDS (chỉ số khác để đo lượng khả năng mắc bệnh về mắt) của giảm thị lực cao gấp 3 lần ở những người chỉ ngủ 3 tiếng hay ít hơn hay ngủ hơn 10 tiếng mỗi đêm, so với người ngủ khoảng 7 tiếng hằng đêm.
Những người có khó khăn để làm những việc mình yêu thích vì những cơn buồn ngủ ban ngày có nguy cơ mất thị lực cao gấp 3 lần so với những người vẫn duy trì được công việc ưa thích, không bị những cơn ngủ ngày quấy rầy.
"Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp không đau đớn hoặc giảm thị lực rõ rệt. Khi bệnh trở nên nặng hơn, bệnh nhân dần dần bắt đầu bị mất tầm nhìn.
Nhiều bệnh nhân có một số triệu chứng của tăng nhãn áp như khó khăn trong việc nhìn thấy trong bóng tối, ánh sáng kém, thay đổi thường xuyên lực của mắt, thấy quầng mờ, giảm tầm nhìn, đau, đỏ trong mắt và đôi khi có buồn nôn.
Tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị, tùy thuộc vào loại bệnh tăng nhãn áp. Có thể dùng thuốc nhỏ mắt, thuốc uống và phẫu thuật laser, phẫu thuật lọc", bác sĩ Hoàng Cương cho hay.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nguy-co-mat-thi-luc-neu-ngu-qua-nhieu-hoac-kho-ngu-20230208094344973.htm