Đừng bao giờ uống thuốc hạ sốt ngay lập tức khi vừa bị sốt, các chuyên gia khuyến nghị.
Hầu hết các bác sĩ khuyên bạn nên đồng hành cùng cơ thể trong việc chống lại nhiễm trùng, bằng cách đừng vội dùng thuốc khi vừa bị sốt, theo tờ Times Now News (Ấn Độ).
Sau đây là lý do tại sao lạm dụng thuốc hạ sốt trong trường hợp sốt nhẹ không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây hại cho cơ thể về lâu dài.
Khi thời tiết thay đổi, nhiều người đổ bệnh, thân nhiệt tăng cao. Ngoài ra, mệt mỏi cũng có thể dẫn đến sốt. Lúc này, nhiều người thường uống ngay 1 viên thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế phản đối thói quen này và khuyên không nên vội uống thuốc hạ sốt.
Các bác sĩ cho rằng nhiều người chưa biết nguyên nhân gây ra cơn sốt đã tự uống thuốc không cần suy nghĩ. Họ uống thuốc mà không biết rằng có thể sẽ gây hại cho cơ thể về lâu dài, theo Times Now News.
Đừng vội uống thuốc hạ sốt khi vừa bị sốt SHUTTERSTOCK
Chuyên trang sức khỏe của Mỹ Prevention cho hay, nếu bị sốt, hãy nhớ điều này: Bản thân sốt không phải là bệnh mà là một triệu chứng của bệnh. Vì vậy, về bản chất, đây là khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Tiến sĩ, bác sĩ Stephen N. Rosenberg (ở Mỹ) cũng cho biết không nên dùng thuốc khi mới bị sốt nhẹ.
Theo Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ), sốt là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể một cách tạm thời, là một phần của phản ứng miễn dịch của cơ thể khi bị nhiễm trùng. Nhiệt độ cơ thể đo được từ 37,8 độ C được xem là sốt.
Thuốc có tác dụng phụ
Các bác sĩ cho biết các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Vì vậy, lạm dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến suy gan, theo Times Now News.
Ngoài ra, các bác sĩ còn gặp nhiều trường hợp tự uống thuốc kháng sinh khi bị đau họng mà không có chỉ định của bác sĩ. Nhưng cần biết rằng kháng sinh chỉ có hiệu quả trong trường hợp nhiễm vi khuẩn, trong khi hầu hết các trường hợp sốt thường là do virus. Lạm dụng thuốc kháng sinh cuối cùng có thể dẫn đến kháng thuốc.
Cách kiểm soát cơn sốt siêu vi không dùng thuốc
Khi bị sốt do virus, bạn có thể làm các cách sau đây để kiểm soát các triệu chứng.
Uống nhiều nước
Các bác sĩ cho biết, thân nhiệt tăng cao do sốt sẽ khiến cơ thể nóng hơn bình thường, gây đổ mồ hôi. Từ đó có thể dẫn đến mất nước. Bởi vậy, hãy cố gắng uống nhiều nước khi bị sốt siêu vi để bổ sung lượng nước mất đi. Có thể dùng nước ép trái cây, đặc biệt là nước chanh, cam, nước canh và súp.
Hãy cố gắng uống nhiều nước khi bị sốt SHUTTERSTOCK
Nghỉ ngơi
Sốt siêu vi là dấu hiệu cơ thể đang nỗ lực chống lại nhiễm trùng, vì vậy cần phải nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Cố gắng tránh các hoạt động thể chất và ngủ ít nhất 8 - 9 giờ.
Giữ mát cơ thể
Để hạ sốt, hãy giữ mát cơ thể bằng các cách tắm nước ấm, mặc quần áo mỏng, không đắp chăn khi bị ớn lạnh, uống nhiều nước mát, sử dụng quạt...
Sốt như thế nào thì cần uống thuốc?
Chuyên trang y tế WebMD (Mỹ) hướng dẫn như sau:
Không cần điều trị khi bị sốt nhẹ trừ khi người bệnh cảm thấy khó chịu. Nếu sốt từ 39 độ trở lên, thì có thể uống thuốc hạ sốt không kê đơn theo chỉ dẫn trên nhãn. Trao đổi với bác sĩ nếu có bệnh nền hoặc đang dùng các loại thuốc khác. Đồng thời, tiếp tục áp dụng các cách kiểm soát cơn sốt nêu trên.
Sốt như thế nào cần đi bác sĩ?
Nên đi khám nếu sốt cao kéo dài hơn 3 ngày hoặc trở nên nặng hơn.
Cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đến bệnh viện ngay lập tức nếu người bệnh có:
Tiền sử mắc bệnh tim, ung thư hoặc tiểu đường hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Tiếp xúc với thời tiết cực nóng và sốt nhưng không ra mồ hôi.
Cứng cổ, bối rối hoặc khó tỉnh táo.
Đau dữ dội ở vùng bụng dưới.
Đau bụng dữ dội, nôn mửa nhiều lần hoặc bị tiêu chảy nặng.
Phát ban da, phồng rộp hoặc vệt đỏ trên cánh tay hoặc chân.
Đau họng nghiêm trọng, sưng cổ họng hoặc đau tai dai dẳng.
Đau khi đi tiểu, đau lưng hoặc ớn lạnh.
Ho dữ dội, ho ra máu hoặc khó thở, theo WebMD.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/chuyen-gia-dung-voi-uong-thuoc-ha-sot-khi-vua-moi-sot-post1538856.html?utm_source=dable