Cà phê là thức uống yêu thích của rất nhiều người. Nhưng liệu người bệnh thận có tiếp tục duy trì thói quen yêu thích này không?
Cà phê có ảnh hưởng gì đến thận và liệu có thể uống cà phê khi bị bệnh thận hay không?
Đúng là người bệnh thận sẽ phải điều chỉnh thói quen ăn uống để bảo vệ chức năng thận. Tuy nhiên, họ có thể thưởng thức cà phê ở mức độ vừa phải, theo Presenius Kidney Care, trung tâm điều trị bệnh thận của Đức.
Đồng thời họ phải hạn chế lượng đường, sữa, kem thêm vào, tốt nhất nên uống cà phê đen không đường.
Người bệnh thận vẫn có thể thưởng thức cà phê ở mức độ vừa phải SHUTTERSTOCK
Caffein có hại cho thận không?
Caffein không có hại cho thận. Nói chung, caffein không có khả năng gây hại cho thận miễn là nó được tiêu thụ với liều lượng ít.
Điều quan trọng cần lưu ý là caffein là chất kích thích, có thể ảnh hưởng đến huyết áp ở một số người. Bệnh thận thường dẫn đến tăng huyết áp. Người bị huyết áp cao chỉ nên uống không quá 2 tách cà phê mỗi ngày.
Mối liên quan giữa kali, cà phê và bệnh thận
Kali có trong nhiều loại thực phẩm, kể cả cà phê. Nhưng ở người bệnh thận, thận của họ không thể cân bằng mức kali. Do đó, lưu ý đến lượng kali tiêu thụ là rất quan trọng để đảm bảo lượng kali không quá cao hoặc quá thấp.
100 gram cà phê có khoảng 49 mg kali và 3 tách cà phê được coi là hàm lượng kali cao. Bởi vậy, người bệnh thận hãy theo dõi để có thể tính lượng kali trong cà phê vào lượng kali hằng ngày. Cả kem hoặc sữa thêm vào cà phê cũng có thể làm tăng hàm lượng kali.
Mẹo để người bệnh thận được an toàn khi uống cà phê
Ghi nhớ những điều sau đây sẽ giúp người bệnh thận thưởng thức cà phê một cách an toàn.
1. Uống ít hơn 3 tách mỗi ngày
Người bệnh thận nên uống ít hơn 3 tách cà phê mới pha mỗi ngày, theo Presenius Kidney Care.
Uống nhiều hơn mức này có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe theo thời gian. Uống lượng cà phê vừa phải sẽ giúp kiểm soát mức kali cũng như mức tiêu thụ caffein.
Uống quá nhiều caffein có thể khiến huyết áp tăng lên, từ đó có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe. Quá nhiều hoặc quá ít kali cũng có thể ảnh hưởng đến tim bằng cách gây ra nhịp tim không đều hoặc đau tim.
Đối với người chạy thận phải hạn chế lượng chất lỏng, cần phải tính lượng chất lỏng trong cà phê vào mức tiêu thụ chất lỏng của mình để đảm bảo nằm trong mức an toàn SHUTTERSTOCK
2. Hạn chế đường, sữa hoặc kem thêm vào
Những thứ này có thể làm tăng mức phốt pho và kali ở người bệnh thận. Một số loại kem được bổ sung phốt pho. Sữa cũng có hàm lượng kali cao. Ở người bệnh thận, thận đã suy giảm chức năng và không thể lọc lượng phốt pho và kali dư thừa ra khỏi máu, từ đó có thể dẫn đến các biến chứng về tim. Vì vậy, cần phải hạn chế hoặc tránh dùng kem và sữa trong cà phê, theo Presenius Kidney Care.
Cũng hãy chú ý đến lượng đường thêm vào. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người tiểu đường. Nhiều trường hợp bệnh thận là do biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra. Tốt nhất nên uống cà phê đen không đường.
3. Tính lượng chất lỏng trong cà phê
Đối với người chạy thận phải hạn chế lượng chất lỏng, cần phải tính lượng chất lỏng trong cà phê vào mức tiêu thụ chất lỏng của mình để đảm bảo nằm trong mức an toàn.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nguoi-mac-benh-than-co-uong-ca-phe-duoc-khong-post1538339.html