Các chuyên gia nhận định, những người chạy bộ xảy ra các sự cố dẫn đến đột tử chủ yếu là do có vấn đề về huyết áp, bệnh lý tim mạch. Hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột tử.
Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan xem nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý tiềm ẩn chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa nên chưa phát hiện kịp thời.
BS.CKI Đào Đức Cường - khoa Hồi sức tích cực - cấp cứu - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết: Tình trạng đột quỵ hay thậm chí là ngừng tim dẫn đến đột tử khi nạn nhân đang hoạt động thể thao không phải hiếm gặp, đặc biệt buổi sáng là thời điểm dễ xảy ra nhất. Dù thể thao mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tình trạng đột quỵ hay thậm chí là ngừng tim dẫn đến đột tử khi nạn nhân đang hoạt động thể thao không phải hiếm gặp MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
BS.CKI Đào Đức Cường chia sẻ các nguyên nhân có thể xảy ra đột tử khi tập thể thao như:
Thứ nhất, nguyên nhân từ bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim). Khi hoạt động quá sức khiến bệnh lý tái phát và dẫn đến đột tử.
Thứ hai, người chạy có thể bị bệnh lý tim hay mạch máu bẩm sinh mà bản thân họ cũng không biết. Nguyên nhân này thường gặp ở người trẻ tuổi tử vong.
Thứ ba, vận động viên có thể bị sốc nhiệt trên đường chạy. Sốc nhiệt là bị rối loạn thân nhiệt do quá nóng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
Thứ tư, sự tích tụ axit lactic trong quá trình chạy. Nếu chúng ta vận động liên tục, cơ thể sẽ không đủ oxy để cơ bắp hoạt động. Do thiếu oxy, cơ bắp sẽ sử dụng glucose dự trữ từ các tế bào để cung cấp năng lượng, nhưng con đường sử dụng năng lượng không có oxy này sẽ tạo ra các sản phẩm thoái hóa không tốt, đó chính là axit lactic. Axit lactic tích tụ càng nhiều sẽ gây ra cảm giác nóng rát, nhức mỏi cơ, co rút cơ, vọp bẻ. Axit lactic còn ức chế thần kinh tim, nó làm cho nhịp tim chậm lại và có thể gây ngưng tim.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự kết hợp giữa nhiệt độ, độ ẩm và bệnh tim (âm thầm hoặc không) là sự kết hợp gây chết người có thể trở nên trầm trọng hơn khi tuân theo chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc trạng thái sinh hoạt không cân bằng.
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột tử khi chơi thể thao
Khi vận động, nếu không kiểm soát được nhịp tim sẽ khiến tim thay đổi nhanh, huyết áp tăng và xuất hiện một số triệu chứng cảnh báo nguy cơ đột tử sắp đến:
Mệt mỏi, chóng mặt
Buồn nôn
Khó chịu ở cổ ngực, cánh tay khi luyện tập
Ngăn ngừa đột tử trong khi chơi thể thao bằng cách nào?
Dù là người bình thường hay vận động viên chuyên nghiệp trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực và sức khỏe.
Gặp bác sĩ để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp,... Cần chọn những môn thể thao phù hợp để hạn chế tối đa những sự cố.
Tập thói quen uống nước ấm trước khi đi ngủ giúp dễ đi vào giấc ngủ, tránh tình trạng mất nước mà còn làm giảm độ keo trong máu, giảm bớt áp lực của tim.
Ngoài ra, trước khi thể dục thể thao, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhieu-truong-hop-chay-bo-dot-tu-bac-si-noi-gi-post1529617.html