Cúm A và cúm B đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành, số mắc mới gia tăng nhiều nhất vào thời điểm giao mùa. Làm sao để phân biệt mắc loại cúm nào để đối phó? Khi mắc cúm mùa, có sốt có cần phải kiêng tắm?
Bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam ghi nhận từ 600.000 - 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm nhưng có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân. Trong đó, cúm B là một trong những chủng cúm mùa phổ biến.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Lê Hồng Dân - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết cúm A, cúm B hay bệnh cúm mùa nói chung thường có triệu chứng tương tự nhau.
Triệu chứng phổ biến là sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng... Do vậy, dựa vào triệu chứng rất khó để phân biệt mắc cúm nào. Để xác định chính xác cần làm xét nghiệm dưới sự chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn - trưởng khoa điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi trung ương, cúm có bốn type là A, B, C, D. Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh và đa số sẽ bình phục sau 1 - 2 tuần, nhưng tình trạng ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần.
Phần lớn bệnh nhân mắc cúm B thể nhẹ tự khỏi, tuy nhiên vi rút cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do vi rút cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn. Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như viêm cơ tim, viêm não, suy đa cơ quan...
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý những dấu hiệu như:
- Sốt cao từ 39,5 độ C trở lên mà dùng thuốc hạ sốt và các phương pháp vật lý hạ nhiệt (đảm bảo phòng thoáng mát 26 - 29 độ C, chườm nước ấm tích cực) nhưng nhiệt độ không hạ;
- Trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên quá 3 ngày, không có xu hướng thuyên giảm;
- Trẻ có triệu chứng thở nhanh, thở bất thường như thở rít, khò khè, rút lõm lồng ngực, co kéo cơ hô hấp. Trẻ không ăn/uống;
- Trẻ có biểu hiện mất nước như môi se, mắt trũng, niêm mạc miệng/lưỡi khô, đòi uống nước, đi tiểu ít (theo dõi thấy bỉm, tã ít ướt hơn bình thường);
- Trẻ thay đổi ý thức, không chịu chơi, quấy khóc, li bì, co giật... Trẻ lớn kêu đau bụng, đau ngực, nôn nhiều...
Khi có những dấu hiệu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám. Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cần thiết, từ đó đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ.
Nhiều người cho rằng nếu có triệu chứng sốt cần phải kiêng tắm, kiêng gió. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Dân cho hay không nhất thiết phải kiêng tắm khi có các biểu hiện sốt do cúm.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng lưu ý người bệnh khi tắm phải dùng nước ấm, tắm nhanh và trong phòng tắm kín gió.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mac-cum-a-b-sot-xinh-xich-co-can-kieng-tam-20221114151507861.htm