Theo Hiệp hội Thận Quốc gia Mỹ, cứ 10 người thì có 1 người bị sỏi thận vào một thời điểm nào đó trong đời.
Sỏi thận được hình thành khi các khoáng chất và các loại muối biến thành cặn cứng, Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ) giải thích.
Nguyên nhân gây ra sỏi thận
Sỏi thận có thể do dùng một số loại thuốc và thực phẩm chức năng. Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu lặp đi lặp lại, cũng dễ bị sỏi thận. Chế độ ăn uống kém lành mạnh và thường xuyên uống thiếu nước cũng làm tăng nguy cơ
Các nghiên cứu còn cho thấy mắc bệnh tiểu đường cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ bị sỏi thận, theo chuyên trang sức khỏe WebMD.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là nhóm máu cũng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận
Một nghiên cứu của Thụy Điển, được công bố trên tạp chí khoa học eLife gần đây cho thấy nhóm máu có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận, theo trang tin Best Life.
Hãy xem nhóm máu của bạn có khiến bạn dễ bị sỏi thận hơn hay không và làm gì để giảm nguy cơ mắc chứng bệnh khó chịu này.
Người thuộc nhóm máu nào dễ bị sỏi thận hơn?
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Học viện Karolinska (Thụy Điển) thực hiện, đã xem xét dữ liệu đăng ký sức khỏe của hơn 5 triệu người và tìm kiếm mối liên quan giữa các nhóm máu và hơn một nghìn căn bệnh khác nhau.
Kết quả họ đã phát hiện ra rằng những người có nhóm máu B có nguy cơ bị sỏi thận thấp hơn. Những người thuộc các nhóm máu A, O và AB có thể có nguy cơ cao hơn, theo Best Life.
Người dẫn đầu nghiên cứu, bác sĩ Gustaf Edgren, Phó giáo sư Dịch tễ học tại Học viện Karolinska (Thụy Điển), giải thích: Những phát hiện của chúng tôi làm nổi bật mối liên quan mới mẻ và thú vị giữa các tình trạng như sỏi thận, tăng huyết áp do mang thai và nhóm máu.
Họ đặt nền tảng cho các nghiên cứu trong tương lai để xác định cơ chế gây ra sự phát triển của bệnh, hoặc nghiên cứu các cách mới để xác định và điều trị một số bệnh.
Những người thuộc các nhóm máu A, O và AB có thể có nguy cơ cao hơn SHUTTERSTOCK
Các triệu chứng của sỏi thận
Theo Mayo Clinic, các triệu chứng của sỏi thận bao gồm đau buốt, dữ dội bên dưới xương sườn, bên hông, bụng dưới và lưng. Cơn đau có thể xuất hiện theo từng đợt, lan dần về phía háng và thay đổi về cường độ. Người bệnh cũng có thể bị nóng rát khi đi tiểu, có máu trong nước tiểu; buồn nôn và nôn. Trong trường hợp bị nhiễm trùng, sẽ sốt và ớn lạnh.
Tùy vào tình trạng bệnh, có thể chỉ cần uống thuốc giảm đau và uống nhiều nước để thải sỏi thận, trang web Mayo Clinic giải thích.
Tuy nhiên, tốt nhất nên đi khám nếu gặp bất kỳ triệu chứng sỏi thận nào, và nếu cơn đau dữ dội, hãy đi cấp cứu ngay.
Nên làm gì để ngăn ngừa sỏi thận?
Theo chuyên trang sức khỏe Healthline, uống nhiều nước là cách số một để tránh sỏi thận.
Ăn thực phẩm giàu canxi và giảm lượng natri cũng làm giảm nguy cơ mắc sỏi thận, theo Best Life.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/day-la-nhom-mau-co-nguy-co-cao-bi-soi-than-post1519581.html