Dinh dưỡng hợp lý trong lúc mang thai và từ khi sinh ra đến 2 tuổi sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tốt nhất ở giai đoạn dậy thì
Chiều cao trung bình của người Việt Nam trẻ đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Hiện chiều cao của thanh niên Việt Nam được xếp vào top 4 nước cao nhất Đông Nam Á.
Người Việt đã "thoát lùn"
Vốn có chiều cao khiêm tốn nên vợ chồng anh Nguyễn Thành An (Hà Nội) thường xuyên tìm hiểu các thông tin và thăm khám, tư vấn dinh dưỡng để cậu con trai có thể phát triển chiều cao tốt nhất ngay từ lúc nhỏ. Anh An cho biết ngoài việc thường xuyên cho con đi bơi thì mỗi tuần cháu còn có 2 buổi học bóng rổ. Hiện bé 10 tuổi đã cao 1,54 m, nặng 37 kg, cao hơn chỉ số chiều cao theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Trong khi đó, với bé thứ 2, ngay từ khi vợ mang thai, vợ chồng anh An đã có ý thức chăm sóc để thai nhi mạnh khỏe. Bé gái chào đời nặng 3,3 kg, khi 2 tuổi đã cao 94 cm, nặng 14,5 kg, cao to hơn hẳn các bạn cùng lớp.
Trong kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng của ngành y tế trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2022-2030, Sở Y tế TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, trung bình thanh niên 18 tuổi đạt 169 cm đối với nam và 158 cm đối với nữ. Tới năm 2030, con số này lần lượt là 170,5 cm và 159 cm.
Theo Sở Y tế TP Hà Nội, hiện chiều cao của thanh niên 17 tuổi ở thành phố có sự thay đổi trong 5 năm qua. Năm 2016, chiều cao trung bình của thanh niên Hà Nội là 166,4 cm (với nam) và 157,2 cm (với nữ). Đến năm 2021, con số này tăng lần lượt lên 168,8 cm và 157,4 cm.
Trước đó, báo cáo của Bộ Y tế cho biết chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua (2010-2020). Năm 2020, nam thanh niên Việt Nam cao trung bình 168,1 cm (tăng 3,7 cm so với năm 2010), nữ đạt 156,2 cm (tăng 2,6 cm). Chiều cao trung bình của người Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, xếp sau Singapore, Thái Lan và Malaysia.
GS-TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết mức tăng chiều cao của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn 1990-2020 tương đương thời kỳ vàng của Nhật Bản về tăng chiều cao thanh niên trong giai đoạn 1955-1995. Nếu tiếp tục duy trì được mức tăng này trong các thập kỷ tới thì Việt Nam sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc - 2 nước đang có chiều cao hàng đầu châu Á. Hàn Quốc hiện là quốc gia có chiều cao nổi bật nhất khu vực châu Á khi nam thanh niên đạt 173,9 cm, nữ đạt 161,1 cm; còn tại Nhật Bản con số này là 172 cm và 158 cm. Hiện nay, 2 quốc gia này đã qua giai đoạn tăng tốc và mức tăng đã chậm lại, chỉ tăng từ 0,8-1,1 cm/10 năm.
Nhiều gia đình cho con tham gia các lớp học bóng rổ để tăng cường thể lực và thúc đẩy chiều cao. Ảnh: HOÀNG NAM
Tận dụng tối đa 1.000 "ngày vàng"
Theo chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao không hoàn toàn do gien mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giới tính, dinh dưỡng, môi trường (bệnh tật), tâm lý, vận động thể lực, giấc ngủ. Trong đó, yếu tố di truyền quyết định khoảng 23% và không thể thay đổi được. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất để quyết định chiều cao, chiếm khoảng 32%. Tiếp đến là rèn luyện thể lực (22%), môi trường sống (16%) và các yếu tố khác.
TS-BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết 1.000 ngày đầu đời được Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất một con người. 1.000 "ngày vàng" được tính từ khi người mẹ mang thai cho đến khi trẻ 2 tuổi.
Theo bác sĩ Nga, từ tháng thứ 4 của thai kỳ, hệ thống xương của em bé đã được hình thành và phát triển nhanh chóng. Thời điểm này trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là canxi, để xương phát triển chiều cao. Do đó, trong thai kỳ, đặc biệt sau tháng thứ 4, mẹ bầu cần ăn nhiều thực phẩm giàu canxi để đáp ứng nhu cầu canxi cần thiết của cơ thể cũng như giúp trẻ đạt chiều cao tối đa khi chào đời, tạo tiền đề cho sự phát triển chiều cao của trẻ trong tương lai. Giai đoạn trẻ dưới 12 tháng tuổi đạt tốc độ phát triển nhanh nhất so với mọi giai đoạn khác. Đến ngày sinh nhật đầu tiên, chiều cao của trẻ đã tăng gấp rưỡi so với chiều dài khi sinh. Nếu được nuôi dưỡng tốt, trẻ sẽ tăng thêm 25 cm trong 12 tháng đầu và 10 cm trong năm tiếp theo. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai vì sau giai đoạn này, mỗi năm trẻ chỉ tăng khoảng 5-6 cm/năm cho đến lúc tiền dậy thì và dậy thì. "Dinh dưỡng hợp lý chính là "chìa khóa" để hỗ trợ cho sự phát triển của xương, là tiền đề cho sự phát triển chiều cao ở lứa tuổi dậy thì" - bác sĩ Nga nói.
GS-TS Lê Danh Tuyên nói thêm rằng 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn duy nhất trong cuộc đời trẻ có thể tăng trưởng chiều cao trên 10 cm/năm. "Thậm chí, nếu cha mẹ chăm sóc con tốt, chiều cao của bé có thể tăng 12-14 cm/năm. Bỏ lỡ giai đoạn này, dù về sau có thể phát triển bù thì cũng không bao giờ đạt được mức như những trẻ được nuôi dưỡng tốt" - GS Tuyên nhấn mạnh.
Ngủ đủ, vận động thường xuyên Dù chiều cao của thanh niên Việt đang có những bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng chiều cao ở khu vực nhưng nhiều chuyên gia cho rằng về tổng thể, vóc dáng của người Việt vẫn khá khiêm tốn. Để thúc đẩy chiều cao, ngoài chế độ dinh dưỡng, trẻ cần bảo đảm ngủ đủ 8 giờ/ngày và tập trung vào ban đêm. Chuyên gia cũng khuyên cần cho trẻ vận động thể thao tối thiểu 1 giờ/ngày để tác động tích cực đến sự phát triển chiều cao. Các môn thể thao có lợi cho chiều cao gồm: bơi, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, nhảy dây, chạy bộ, yoga... |
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/thuc-chieu-cao-cho-thanh-nien-viet-20221109203701499.htm