Nước là thành tố quan trọng tác động đến sự phát triển thể chất của trẻ. Nhiệt độ của nước cũng là yếu tố cần phải quan tâm. Tình trạng cơ thể khác nhau sẽ phù hợp với nhiệt độ nước khác nhau.
Nhiệt độ phòng (20 độ C)
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đây là nhiệt độ phù hợp nhất để thưởng thức tối đa hương vị của nước. Nhiệt độ này giúp cân bằng vị giác và cho lưỡi cảm giác tốt nhất để nhận biết hương vị chân thực của thức uống.
Nhiệt độ phòng được xem là nhiệt độ phù hợp nhất để bố mẹ cho trẻ uống nước hàng ngày.
Ảnh minh họa: H. K.
Nhiệt độ nước tốt nhất để làm dịu cơn khát (40 độ C)
Khi trẻ đang khát thì 40⁰C là nhiệt độ tốt nhất để làm dịu cơn khát. Thông thường nhiều bố mẹ sẽ nghĩ khi khát phải cho trẻ uống nước mát lạnh nhưng thực tế nước ấm mới giúp xua tan cơn khát nhanh chóng nhất.
Bố mẹ lưu ý canh nhiệt độ nước phù hợp, nếu không có nhiệt kế thì phải thử nước trước khi cho trẻ uống. Nước để làm dịu cơn khát chỉ nên vừa đủ ấm.
Nhiệt độ nước hơi lạnh để làm mát nhiệt độ cơ thể (16 độ C)
16 độ C là nhiệt độ phù hợp để tăng khả năng hydrat hóa, bù vào lượng nước đã mất cho cơ thể và giảm tỷ lệ đổ mồ hôi. Một cốc nước hơi lạnh rất tốt khi trẻ cần vận động mạnh như chơi thể thao, chơi team building. Ngoài ra nhiệt độ này còn giúp cơ thể hạn chế bị mệt mỏi và hoạt động được lâu hơn.
Dù có khả năng bù nước nhưng bố mẹ cũng không nên cho trẻ uống quá nhiều nước mát vì dễ gây nên sự khó chịu khi trẻ phải vận động mạnh.
Nhiệt độ nước lạnh tạo cảm giác sảng khoái
Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể cần một sự kích thích để giải khát và cảm thấy sảng khoái thì nước đá lạnh ở nhiệt độ 6⁰C là lựa chọn phù hợp. Nhiệt độ này sẽ giúp cơ thể ngay lập tức cảm thấy dễ chịu, khoan khoái.
Tuy nhiên, cũng chỉ nên cho trẻ uống nước đá lạnh với liều lượng phù hợp. Uống quá nhiều sẽ dễ gây viêm họng nên bố mẹ hãy lưu ý nhé.
Lưu ý lựa chọn nhiệt độ nước uống phù hợp
- Tùy thuộc vào tình trạng cơ thể: Cơ thể mỗi trẻ khác nhau nên nhiệt độ nước tốt nhất cũng theo đó mà có sự thay đổi. Bố mẹ có thể căn cứ theo những thông tin bên trên nhưng đồng thời cũng phải quan sát tình trạng của trẻ để điều chỉnh nhiệt độ nước.
- Tùy thuộc vào sở thích cá nhân: Trên thực tế cho trẻ uống nước theo sở thích cá nhân vẫn là cách được nhiều người lựa chọn. Chính trẻ sẽ cảm nhận được cơ thể mình phù hợp với nhiệt độ nào. Tuy nhiên bố mẹ vẫn phải đảm bảo không để trẻ uống nước quá nóng hay quá lạnh, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhu cầu nước của mỗi người phụ thuộc vào lứa tuổi, cân nặng, mức độ hoạt động thể lực, tình trạng sinh lý, tình trạng bệnh, điều kiện thời tiết. Theo Tháp dinh dưỡng hợp lý cho các lứa tuổi của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cơ bản khuyến nghị với nhu cầu về nước được tính như sau:
- Trẻ em 15 - 18 tuổi và người trưởng thành: 8 - 12 đơn vị nước/1 ngày (8 - 12 cốc nước/ngày).
- Trẻ 12 - 14 tuổi: 8 - 10 đơn vị nước
- Trẻ 6 - 11 tuổi: 6 - 8 đơn vị nước.
- Trẻ em 3 - 5 tuổi: trung bình 6 đơn vị nước/1 ngày.
Trong đó 1 đơn vị nước tương đương 1 cốc 200ml nước.
Các loại nước nên dùng tốt nhất là nước sạch (đã được lọc và tiệt khuẩn) hoặc nước đun sôi để nguội. Ngoài ra, trẻ cũng nên uống các loại nước trái cây, sữa không bổ sung thêm đường, nước rau luộc và nước canh. Hạn chế cho trẻ uống các loại nước có gas, nước ngọt, các loại đồ uống có nhiều đường.
Theo Hà An/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/tre-uong-nuoc-o-nhiet-do-nao-la-tot-nhat-20221019080607837.htm