Oresol là thuốc điều trị số một nhằm bù nước, điện giải vì bất cứ nguyên nhân gì. Việc người dùng, đặc biệt là trẻ em, uống oresol ở các dạng chai nước bổ sung, thực phẩm chức năng... có thể gây họa.
Người bệnh dễ nhầm lẫn, bác sĩ phải "thêm việc"
Chị T.H.H. đưa con trai 1 tuổi đến khám tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vì bé nôn vọt, tiêu chảy nhiều lần. Bác sĩ chẩn đoán theo dõi tiêu chảy, kê thuốc kèm lời dặn: "Chỉ mua oresol gói bột, là thuốc điều trị".
Về nhà, bận chăm con ốm, chồng chị đi mua thuốc và mang về mấy chai nhựa nhỏ như hộp sữa chua nước, vị trái cây, được ghi hỗ trợ bù nước, điện giải khi trẻ mất nước do sốt cao, tiêu chảy.
Nhớ lời bác sĩ dặn, chị không cho con uống, mang ra hiệu thuốc được giải thích uống vị trái cây dễ uống, tiện dùng. Còn loại oresol bác sĩ kê đơn, nhà thuốc lúc nào cũng có.
Tuy vậy, chị H. quyết định chỉ mua gói oresol theo đúng chỉ định của bác sĩ, hòa cùng nước sôi để nguội cho con uống.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây, khi khám cho trẻ sốt cao, tiêu chảy cần bổ sung oresol, ông cũng luôn phải dặn bố mẹ bệnh nhi: "Chỉ mua đúng oresol là thuốc ghi trên đơn, tuyệt đối không chuyển sang loại khác khi được giới thiệu".
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, khi khám cho bệnh nhi bị tiêu chảy, ông phải thêm lời dặn miệng chỉ mua thuốc như trong đơn, không thay thế loại nào khác được giới thiệu. "Tôi cần nói rõ vậy để đảm bảo người dân không nhầm, thay vì mua thuốc oresol rất rẻ, hiệu quả, lại mua phải các loại khác không hiệu quả, đắt đỏ", PGS Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng trong một cuộc giao lưu hỏi đáp trực tuyến trên báo điện tử Dân trí.
"Thời gian vừa qua, nhiều trẻ đến khám khi mất nước vì tiêu chảy, nôn vọt, bố mẹ kể sử dụng những chế phẩm bù nước không phải là thuốc", PGS Dũng nói.
Oresol là phát minh của thế giới cứu người bị mất nước. Vì thế, người ta sản xuất với nhiều hàm lượng khác nhau, từ gói 1 lít, gói 500ml và gói pha với 200ml nước để phù hợp với trẻ nhỏ.
"Một em bé đang bị đi ngoài ồ ạt, bổ sung oresol phải hàng trăm ml sau mỗi lần đi ngoài. Nếu chỉ uống 10ml/lần thì sẽ cực kỳ nguy hiểm vì mất nước. Vậy mà tôi thấy người ta đóng ống 10ml để bán ra thị trường. Rồi các lọ uống nhỏ như hộp sữa chua nước, ghi là thực phẩm bổ sung, không ai khẳng định được tiêu chuẩn, hàm lượng các chất muối, đường, điện giải trong đó", PGS Dũng phân tích thêm.
Chuyên gia này cho biết, em bé đi ngoài, uống 10ml oresol không giải quyết vấn đề gì. Nó không mang ý nghĩa gì trong việc bù nước sau tiêu chảy. Còn để nói dùng hàng ngày thì chẳng có công dụng gì. Không nói đến quy chuẩn hàm lượng các chất trong đó, mà lượng nước bù cũng không thể đảm bảo.
"Không một đất nước nào đóng oresol 10ml bởi nó không có ý nghĩa bù nước. Nếu để uống hàng ngày thì nó cũng không có ý nghĩa gì. Trong khi đó người dân dễ nhầm lẫn, tưởng uống 10ml là đã đủ liều điều trị, gây hậu quả rất nguy hiểm. Theo tôi không nên để lưu hành thị trường ống oresol 10ml, các loại bổ sung nước điện giải dưới dạng thực phẩm bổ sung, nếu không chắc chắn sẽ có trẻ gặp nguy hiểm vì mất nước", PGS Dũng mạnh mẽ kiến nghị.
PGS.TS Dũng bày tỏ sự bức xúc trước hiện tượng có quá nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN) trên thị trường nhắm đến đối tượng trẻ nhỏ, trong đó có cả những loại vốn là thuốc này cũng được các công ty sản xuất TPCN tranh thủ sản xuất.
Là thuốc điều trị, không thể mập mờ thành thực phẩm bổ sung
Với các từ khóa "ốm", "sốt", "bị mất nước" những thông điệp truyền thông của các nhãn nước bù điện giải đóng chai cho thấy sản phẩm của họ giống như thuốc điều trị hướng tới người ốm, hơn là dành cho đối tượng chỉ đơn thuần muốn mua nước uống giải khát.
Thực tế, các bệnh nhi khi đi cấp cứu đều liên quan đến việc bù nước không đúng cách, bù nước bằng thực phẩm chức năng dạng oresol chứ không phải là thuốc oresol. Nhiều trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 1,5 tuổi đến cơ sở y tế khám vì mất nước nặng đến mức sốc, co giật, tụt huyết áp vì không được bù nước đúng khi bị tiêu chảy.
"Về nguyên tắc, oresol là thuốc cứu sống trẻ bị tiêu chảy, cứu rất nhiều trẻ bị tiêu chảy trên toàn thế giới. Nhưng hiện nay, người ta sản xuất cái "tựa tựa" oresol và cho hương liệu vào để cho dễ uống, nhưng nó không phải là "thuốc" mà là dạng thực phẩm bổ sung", PGS Dũng bày tỏ sự lo lắng.
Điều này vô cùng nguy hiểm, bởi oresol vốn là thuốc chữa mất nước trong tiêu chảy, giờ thị trường có những dạng nước đóng chai đặt tên gọi mập mờ và quảng cáo chức năng tương tự, dễ khiến người dân nhầm là thuốc chữa bệnh, uống bổ sung bừa bãi.
Chuyên gia khuyến cáo khi trẻ bị tiêu chảy, bổ sung nước bằng thuốc oresol là quan trọng nhất. Cha mẹ cần pha đúng tỉ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, cho trẻ uống thay nước lọc thông thường, uống sau mỗi lần đi ngoài, uống rải rác tiếp đó để bù nước, điện giải.
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như: Khát nước nhiều, đi tiểu ít; Vật vã kích thích hoặc lờ đờ, nhiều trẻ mệt đến mức không khóc được, người cứ lịm đi; Tình trạng bệnh nhân đi ngoài vẫn rất nhiều, lượng nước uống vào được rất ít... thì cần đưa ngay tới cơ sở y tế.
Theo Hồng Hải/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/nguy-hiem-chet-nguoi-do-mat-nuoc-khi-su-dung-oresol-khong-phai-dang-thuoc-20221003114306039.htm