Trong một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, nếu rụng 2 quả trứng và chúng được thụ tinh bởi tinh trùng của hai người đàn ông khác nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng sinh đôi khác cha.
BS.CKI Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phòng khám Sản phụ khoa - Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết sinh đôi khác cha được coi là một tình trạng hiếm gặp. Có thể hiểu đơn giản về hiện tượng này như sau.
Thông thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt người phụ nữ sẽ rụng 1 trứng, nhưng cũng có những trường hợp rụng 2-3 trứng. Nếu 2 trong số những trứng này được thụ tinh bởi tinh trùng của hai người đàn ông khác nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng sinh đôi nhưng khác cha. Khi chào đời thậm chí 2 đứa trẻ có thể không sinh cùng lúc.
Quá trình hình thành bào thai
BS Huỳnh Mai cho biết, sau một lần đã thụ thai dù đơn hay đa thai sẽ không thụ thai thêm nữa. Tuy nhiên, có một số trường hợp hiếm hoi thụ thai lần 2 chỉ sau lần trước ít ngày mà y học gọi là bội thụ tinh khác kỳ (Superfetation).
Song sinh là hiện tượng đa thai phổ biến, trong đó gồm song sinh cùng trứng và song sinh khác trứng MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Bội thụ tinh khác kỳ tương đối phổ biến ở động vật như chó, mèo, bò và loài gặm nhấm... nhưng rất hiếm xảy ra ở người. Cơ hội để một tế bào tinh trùng kết hợp với tế bào trứng là khá nhỏ. Do hành trình để tinh trùng đi gặp trứng rất khắc nghiệt ở đường sinh dục nữ với hai yếu tố pH axit không thích hợp với tinh trùng và bạch cầu nhận diện chúng là những yếu tố lạ cần phải tiêu diệt.
Song sinh là hiện tượng đa thai phổ biến, trong đó gồm song sinh cùng trứng và song sinh khác trứng. Theo y học, song sinh cùng trứng là hiện tượng 1 trứng được 1 tinh trùng thụ tinh rồi tách làm 2 trong giai đoạn phát triển thành hợp tử và phát triển thành 2 bào thai riêng biệt. Những thai nhi trong trường hợp này giống nhau như giọt nước cả về hình thức và cấu trúc gien. Hai bé cũng thường có cùng giới tính, ngoại hình do bộ ADN hoàn toàn giống nhau.
Sinh đôi khác trứng là khi người phụ nữ rụng đồng thời 2 trứng trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt và cả 2 trứng này được thụ thai bởi 2 tinh trùng khác biệt. Trong trường hợp này, 2 thai nhi cùng chia sẻ tử cung của người mẹ trong suốt hơn 9 tháng dài, nhưng phát triển theo những hướng hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp sinh đôi khác trứng, rất có thể bố của 2 em bé không phải là 1 người nên có thể không giống nhau về giới tính và ngoại hình vì có nhiều khác biệt di truyền (mỗi trẻ chỉ có khoảng 50% bộ ADN chung).
Hiện tượng sinh đôi khác cha
Lý giải thêm về hiện tượng sinh đôi khác cha, BS Huỳnh Mai cho biết: Sinh đôi khác cha gần giống hiện tượng mang song thai khác trứng. Tại thời điểm quan hệ tình dục đã có hai quả trứng rụng cùng lúc và thai đã được thụ thành công ở cả hai quả trứng này. Trong trường hợp này, hai thai nhi là biệt lập, cùng sống trong tử cung của người mẹ nhưng sự phát triển là hoàn toàn khác nhau nên khi sinh ra hình dáng bên ngoài không giống nhau như sinh đôi cùng trứng, thậm chí giới tính khác nhau.
Trên thực tế hiện tượng sinh đôi khác cha rất hiếm gặp trên thế giới và ở Việt Nam ca đầu tiên xác nhận bằng xét nghiệm ADN vào năm 2016 tại Hòa Bình. Việc sinh đôi khác cha tưởng chừng không thể xảy ra và không thể lý giải được nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó xét nghiệm ADN có thể giúp những điều kỳ lạ được giải đáp.
Trước đó, một phụ nữ Brazil 19 tuổi đã hạ sinh một cặp sinh đôi khác cha, sau khi quan hệ tình dục với hai người đàn ông trong cùng một ngày. Khi gần đến ngày sinh nhật của hai con, cô bắt đầu nghi ngờ cha của bọn trẻ là ai, vì vậy cô quyết định thực hiện xét nghiệm ADN, Globo đưa tin. Cô chỉ nghi ngờ một trong hai người đàn ông là cha của cặp song sinh, vì vậy cô ấy thu thập ADN của anh ta - nhưng nó chỉ cho kết quả dương tính với một đứa trẻ. "Tôi nhớ rằng tôi đã quan hệ tình dục với một người đàn ông khác và đã gọi anh ta để làm xét nghiệm, kết quả là dương tính", người mẹ bất ngờ và tiết lộ: “Tôi rất ngạc nhiên trước kết quả. Tôi không biết điều này có thể xảy ra vì bọn trẻ rất giống nhau". |
Theo Lê Cầm/ Thanh niên
https://thanhnien.vn/co-gai-19-tuoi-sinh-doi-khac-cha-bac-si-ly-giai-sao-ve-truong-hop-nay-post1501300.html?utm_source=dable