Hành là một thực phẩm quen thuộc, được nhiều người sử dụng trong chế biến các món ăn để tăng hương vị. Ngoài tác dụng chính này, hành còn mang lại nhiều giá trị sức khỏe tuyệt vời.
Củ hành chứa nhiều dưỡng chất như: vitamin C, vitamin B6, biotin, axit folic, chromium, canxi và chất xơ tốt cho sức khỏe. Từ xa xưa hành cũng đã vô cùng quen thuộc trong gian bếp của mỗi gia đình Việt.
Dưới đây là những giá trị sức khỏe mà hành mang lại cho cơ thể:
Ăn hành giúp giảm cholesterol và triglyceride. Các sulfua trong hành có thể giúp giãn nở mạch máu, quercetin có thể giúp làm sạch mạch máu và anthocyanins có thể tăng cường độ đàn hồi của mạch máu. Vì vậy, đều đặn ăn hành với một lượng thích hợp rất tốt cho tim mạch.
Hành là loại thực vật chứa nhiều canxi, có thể sánh ngang với các loại rau giàu canxi như: bắp cải, rau chân vịt.
Đồng thời, tỷ lệ canxi và phốt pho trong hành cũng rất lý tưởng. Điều này giúp tăng khả năng hấp thụ canxi của cơ thể khi ăn loại củ gia vị này.
Các oligosaccharide có trong hành không dễ dàng hấp thụ qua đường tiêu hóa, nhưng ở ruột già, chúng có thể được phân hủy thành các chất có lợi cho vi khuẩn bifidobacteria, từ đó giúp cải thiện sức khỏe đường ruột.
Ngoài ra, hành có tính chống viêm và kháng khuẩn giúp giảm đau bụng và các hội chứng dạ dày liên quan khác. Điều này là do hành có chứa chất saponin có khả năng chống co thắt để đảm bảo rằng những rối loạn dạ dày không tiếp tục và ruột hoạt động bình thường, thông suốt.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Goulver đã chiết xuất quercetin từ 5 loại hành để tiến hành thí nghiệm khả năng chống ung thư.
Theo kết quả thu được, quercetin có thể khiến tế bào ung thư "tự sát" và phá hủy môi trường sống của những tế bào ác tính này. Không những thế, quercetin còn cản trở sự giao tiếp giữa các tế bào ung thư.
Do đó, nhóm tác giả khẳng định rằng, hành có tác dụng chống ung thư tốt. Nghiên cứu này cũng đã được đăng trên tạp chí "International Food Research".
Sắt là vi chất tham gia tích cực vào quá trình tạo máu, vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào. Trong khi đó, sắt chứa hàm lượng lớn trong hành tím nên khi ăn hành tím giúp chúng ta ngăn ngừa sự thiếu máu trong cơ thể.
Hoạt tính kháng viêm của hành củ giúp làm giảm hen suyễn cùng viêm phế quản. Nó cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa ho, cảm lạnh, cúm, hắt hơi và chảy nước mũi.
Mỗi khi bị sốt hoặc cảm cúm, ăn hành có thể giúp hạ sốt và giảm các triệu chứng cảm, do vị hăng của hành thúc đẩy lưu thông máu và tăng tiết mồ hôi. Đồng thời, hành có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể giúp hạn chế mắc bệnh cảm cúm thông thường.
Hành củ còn được sử dụng để điều trị ho bằng cách pha nước ép hành củ với mật ong theo tỷ lệ 1/1.
Anthocyanin là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Nó hấp thụ ánh sáng mặt trời có bước sóng khác nhau trong môi trường có nồng độ axit và ion kim loại khác nhau, sau đó làm cho thực vật có màu xanh, đỏ hoặc tím. Vì vậy hành tím có hàm lượng anthocyanins cao hơn so với các loại hành có màu sắc khác.
Trong khi đó, hành trắng và hành vàng lại rất giàu vitamin C và carotene. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn đa dạng các loại hành, để hấp thu nhiều loại chất dinh dưỡng từ thực phẩm này.
Theo Minh Nhật/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/6-loi-ich-suc-khoe-khong-ngo-cua-viec-an-hanh-cu-20220919080200441.htm