Sau khi bé trai bị rắn cắn, gia đình không đưa đến bệnh viện ngay mà tự đắp lá cây điều trị, khiến nạn nhân lâm vào nguy kịch.
Ngày 26/8, bác sĩ Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, nơi đây đang điều trị tích cực cho một trường hợp bệnh nhi bị nhiễm trùng nặng.
Bệnh nhi là bé Đ.H. (13 tuổi), nhập viện trong tình trạng đi tiêu ra máu, vết thương ở chân sưng và bầm tím. Theo thông tin từ người nhà, khoảng 20 giờ ngày 23/8 khi đang đi bắt cua tại con suối gần nhà, bé không may bị rắn cắn vào gót chân phải. Con rắn đã được người nhà bé H. bắt lại và đập chết.
Vết thương do rắn cắn của bệnh nhi bị nhiễm trùng sau khi người nhà dùng lá cây điều trị (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Sau đó, gia đình dẫn bé về, lấy lá cây không rõ tên đắp lên vết thương. Hơn một ngày điều trị tại nhà, tình trạng bé không thuyên giảm mà ngày càng xấu đi. Lúc này, H. mới được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu.
Tại bệnh viện, ê-kíp trực phải khai thác thông tin từ gia đình, nhằm xác định đúng loại rắn đã cắn bé H. để đưa ra hướng điều trị cụ thể. Hiện tại, bé vẫn đang được theo dõi sát tình trạng vết thương ở chân, cũng như thay loại huyết thanh kháng nọc rắn phù hợp.
Theo bác sĩ Phát, bệnh nhi trên chỉ là một trong nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn, gây nguy hiểm tính mạng vì người thân tự ý đắp các loại lá lên vị trí rắn cắn.
Một trường hợp bị rắn cắn phải đoạn chi vì gia đình để ở nhà tự cắt lể (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Bác sĩ cảnh báo, cha mẹ tuyệt đối không nên làm 3 việc sau đây khi phát hiện trẻ bị rắn cắn:
Thứ nhất, không cột ga-rô vào vết thương vì sẽ gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới.
Thứ hai, không cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc, vì sẽ gây nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ và tăng hấp thu nọc độc.
Thứ ba, không đắp lá hay rễ cây có thể gây nhiễm trùng vết thương.
Trước đó cũng trong tháng 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cũng tiếp nhận một trường hợp bé trai 13 tuổi bị rắn cạp nia cắn nguy kịch khi đang ngủ dưới nền nhà. Vì không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia đơn giá để điều trị đặc hiệu, bệnh viện phải sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đa giá truyền cho bé. Sau khi truyền 5 lọ huyết thanh và 5 ngày thở máy, bé được cai máy thở, tỉnh táo, phục hồi hoàn toàn sức cơ tứ chi và được cứu sống. PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi bị rắn cắn người dân cần hết sức bình tĩnh, rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị cắn, đặt thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. |
Theo Hoàng Lê/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/di-bat-cua-bi-ran-can-nguy-kich-canh-bao-3-sai-lam-de-hai-chet-tre-20220826133509812.htm