Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y dược TP HCM cơ sở 3, trả lời bạn đọc về cách ngủ điều hoà, máy quạt đúng cách để trẻ không bị ốm, hạn chế nguy cơ bị liệt mặt.
Bạn đọc Huỳnh Tiến (Bình Dương), hỏi: Thời gian gần đây có nhiều trẻ em bị liệt nửa mặt khi ngủ có điều hoà, quạt. Tôi rất lo lắng vì có 2 con nhỏ, thời tiết nóng nên thường xuyên cho các bé dùng điều hoà khi ngủ. Vậy phải dùng điều hoà, quạt như thể nào để hạn chế nguy cơ cho con?
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ trả lời: Có 3 nguyên nhân gây nên liệt mặt: phong hàn, phong nhiễm, chấn thương. Thông dụng nhất là do phong hàn, bên đông y là do gió, tây y là do siêu vi gây nên. Liệt mặt sẽ không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng sẽ làm mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập của trẻ, thậm chí để lại di chứng lâu dài, mất cân đối mặt.
Trẻ bị liệt mặt do phong hàn sẽ có ba yếu tố gây nên: do quạt, điều hoà; trẻ có cơ thể yếu; thời tiết giao mùa đột ngột nên cơ thể bé không theo kịp.
Trẻ bị liệt mặt đang điều trị bằng phương pháp y học cổ truyền. Ảnh: BSCC
Do đó, phụ huynh phải chăm sóc cho con đầy đủ về thể chất, tránh nhiệt độ ngoài trời và trong nhà thay đổi đột ngột. Khi thời tiết giao mùa, trước khi bước vào phòng quá lạnh hoặc quá nóng trẻ phải có thời gian thích nghi ở trong nhà để ổn định nhiệt độ cơ thể. Điều hoà phải toả khắp phòng, quạt không phả thẳng vào mặt hoặc cổ gáy.
Khi trẻ bị liệt mặt, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên môn để chữa trị sớm. Nếu để trẻ bị liệt mặt lâu, không chữa trị kịp thời thì sẽ liệt cứng, méo miệng, để lại di chứng lâu dài.
Liệt mặt ở y học cổ truyền sẽ chữa trị bằng xoa bóp bấm huyệt để tác động vào các nhóm cơ của khuôn mặt kết hợp với châm cứu, trong vòng 2 tuần trẻ sẽ ổn định. Muốn trẻ ổn định lại cơ mặt thì sẽ mất khoảng 4 tuần.
Theo Ng.Thuận/ Người lao động
https://nld.com.vn/suc-khoe/bac-si-chi-cach-dung-quat-dieu-hoa-de-tre-khong-bi-liet-mat-20220823150518324.htm