Theo một nghiên cứu mới đây, virus đậu mùa khỉ có thể tồn tại trên nhiều đồ vật thông thường trong nhà, mặc dù vẫn chưa rõ liệu điều đó có thể lây lan bệnh hay không.
Hai bệnh nhân đậu mùa khỉ ở chung nhà cho biết họ đã khử trùng bề mặt, rửa tay nhiều lần trong ngày và tắm rửa thường xuyên. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy virus trên 70% bề mặt tiếp xúc nhiều sau 20 ngày kể từ khi họ có các triệu chứng của bệnh. Những bề mặt này gồm trên ghế dài, chăn, máy pha cà phê, chuột máy tính và công tắc đèn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, theo tờ Bloomberg, không có virus sống nào được phát hiện trên bất kỳ vật dụng hoặc bề mặt nào cho thấy có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Vì thế có thể nói nguy cơ lây bệnh là thấp. CDC cho rằng các biện pháp làm sạch và khử trùng có thể đã hạn chế được số lượng virus trong nhà.
Bệnh đậu mùa ở khỉ chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương hoặc dịch tiết đường hô hấp khi tiếp xúc gần gũi lâu dài với người bệnh. Theo một nghiên cứu khác của CDC, hơn 90% trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ có liên quan đến quan hệ tình dục giữa nam và nam.
Theo nghiên cứu, virus cũng có thể lây qua chất lỏng hoặc đồ vật được người bệnh sử dụng, nhưng vẫn chưa rõ mức độ nhiễm bẩn bề mặt như thế nào góp phần vào việc truyền virus gián tiếp.
Dù vậy, những người đến thăm nhà của người mắc bệnh đậu mùa khỉ vẫn nên tự bảo vệ mình bằng cách đeo khẩu trang, tránh chạm vào các bề mặt có thể bị ô nhiễm, giữ vệ sinh tay sạch sẽ, tránh dùng chung dụng cụ ăn uống, quần áo, giường hoặc khăn tắm và tuân theo các khuyến nghị khử khuẩn tại nhà.
Một trong số hai bệnh trên có tổn thương ở bộ phận sinh dục, bàn tay, ngực, môi và da đầu, trong khi người còn lại bị tổn thương ở bàn chân, cẳng chân và ngón tay.
Theo Hà An/ Dân trí
https://dantri.com.vn/suc-khoe/virus-dau-mua-khi-co-the-bam-lau-tren-cac-be-mat-trong-nha-20220823160330081.htm